TOP 7 Dạng đề nghị luận thường gặp trong đề thi vào lớp 10 giúp các em nhận biết, nắm được những ý cơ bản, nhanh chóng triển khai thành bài văn hoàn chỉnh, để ôn thi vào lớp 10 năm 2023 – 2024 hiệu quả.
Trong đề thi vào 10 các em thường gặp đề phân tích, nêu cảm nghĩ về nhân vật, tình huống truyện, giá trị nội dung hay giá trị nghệ thuật trong truyện hoặc nghị luận về tư tưởng đạo lý, hiện tượng đời sống… Ngoài ra, có thể tham khảo thêm Hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề của các tác phẩm Văn 9. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Phân tích hoặc nêu cảm nghĩ về nhân vật trong tác phẩm truyện
Mở bài:
Giới thiệu tác phẩm và nhân vật cần nghị luận.
Thân bài:
Học sinh cần làm nổi bật các vấn đề trọng tâm thông qua các bước sau:
- Bước 1: Xác định các yếu tố khắc họa lên một nhân vật: Hoàn cảnh xuất thân, phẩm chất, tính cách, công việc.
- Bước 2: Phân tích các lời nói, hành động của nhân vật thông qua các tình huống để khái quát lên phẩm chất của nhân vật.
- Bước 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
Kết bài: Khái quát ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm thể hiện qua nhân vật.
Ví dụ cụ thể:
Từ những hiểu biết về truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, em hãy viết bài văn phân tích vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên.
Mở bài: Giới thiệu tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long và anh thanh niên là nhân vật trung tâm của tác phẩm.
Thân bài: Làm nổi bật nhân vật anh thanh niên thông qua các bước cụ thể sau:
Bước 1: Giới thiệu nhân vật anh thanh niên 27 tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, anh sống một mình trên đó quanh năm chỉ có mây mù bao phủ.
Bước 2: Nhân vật anh thanh niên được đặt trong tình huống là cuộc gặp gỡ với ông họa sĩ và cô kỹ sư, trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi chỉ 20 phút, các nét tính cách và phẩm chất của nhân vật này được bộc lộ rõ.
Đó là một người yêu nghề, say mê công việc, có ý thức trách nhiệm với công việc, giản dị, hiếu khách và có lí tưởng sống cao đẹp. Ở phần này học sinh cần phải có các dẫn chứng lấy từ trong tác phẩm để đưa vào trong bài viết của mình.
Bước 3: Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật anh thanh niên; các chi tiết, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật đặc sắc.
Kết bài: Khái quát những phẩm chất, tính cách của anh thanh niên, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm thể hiện qua nhân vật.
Phân tích tình huống truyện
Quan trọng nhất là học sinh phải xác định được tình huống truyện, sau đó cần phân tích tác dụng của tình huống truyện trong việc khắc họa nhân vật và chủ đề tác phẩm. Bên cạnh đó cần lưu ý để tránh mắc phải những lỗi như phân tích vụn vặt, sa vào kể chuyện dài dòng, lan man mà không đúng trọng tâm đề bài.
Phân tích một giá trị nội dung trong tác phẩm truyện
Bước 1: Xác định giá trị nội dung của tác phẩm truyện.
Bước 2: Triển khai giá trị nội dung thành các luận điểm trong bài để phân tích rõ ràng, cụ thể từng khía cạnh.
Bước 3: Tìm dẫn chứng, chi tiết trong tác phẩm để minh chứng cho các luận điểm trên.
Ví dụ: Trong truyện ngắn “Làng”, nhà văn Kim Lân đã miêu tả tâm trạng của nhân vật ông Hai về tình yêu làng: “Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá… Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá”. (“Làng” – Kim Lân, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Từ nội dung đoạn trích trên và hiểu biết của em về truyện ngắn “Làng”, em hãy viết một bài văn làm nổi bật tình yêu làng, yêu nước và niềm tin với Cách mạng của nhân vật ông Hai.
Để giải quyết yêu cầu của đề bài trên, học sinh sẽ triển khai thông qua các tình huống truyện. Cụ thể:
Ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc: Diễn biến tâm trạng của ông Hai là sững sờ, bàng hoàng, đau đớn, tủi hổ. Đấu tranh nội tâm dữ dội trước băn khoăn quay về làng hay ở lại nơi tản cư, cuối cùng nhân vật rơi vào trạng thái bế tắc. Qua đây nhà văn đã thể hiện tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của nhân vật.
Tâm trạng ông Hai khi tin làng theo giặc được cải chính: Vui sướng đến vỡ òa, phấn khởi, vui vẻ trở lại, qua đây cho thấy niềm tin của ông đối với cách mạng và tình yêu làng, yêu nước đến thiết tha.
Phân tích một giá trị nghệ thuật trong tác phẩm truyện
Giá trị nghệ thuật trong tác phẩm truyện gồm giọng điệu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện… Các em cần triển khai thành 3 bước sau đây:
Bước 1: Xác định giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Bước 2: Triển khai giá trị nghệ thuật thành các luận điểm.
Bước 3: Tìm dẫn chứng trong tác phẩm để minh chứng cho các luận điểm trên.
Đây là kiểu bài được đánh giá là tương đối khó trong các dạng bài nghị luận về tác phẩm truyện, do vậy trong quá trình ôn tập học sinh cần nắm vững kiến thức của tác phẩm, đặc biệt là các kiến thức liên quan đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó.
Ví dụ: Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật Phương Định trong lần phá bom ở cuối truyện “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê).
Phân tích hoặc cảm nhận về một bài thơ, khổ thơ
Đây là dạng bài thường gặp và chiếm dung lượng nhiều nhất trong kiểu bài nghị luận về tác phẩm thơ. Với dạng bài này, học sinh phải thuộc văn bản thơ và thực hiện theo ba bước:
Bước 1: Xác định vị trí, nội dung chính của đoạn thơ hoặc khổ thơ mà đề bài yêu cầu.
Bước 2: Phân tích các hình ảnh, biện pháp nghệ thuật, ngôn từ biểu cảm. Đây là bước quan trọng nhất, chiếm dung lượng kiến thức nhiều nhất và thể hiện rõ kỹ năng làm bài của học sinh.
Bước 3: Khái quát lại vẻ đẹp của bức tranh thơ, tình cảm của tác giả hoặc của nhân vật trữ tình thể hiện trong đoạn thơ, bài thơ.
Ví dụ: Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật. Một nhà thơ đã viết:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!”
(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục 2017, trang 58)
Bước 1: Khổ thơ thứ ba của bài thơ “Viếng lăng Bác” nhà thơ Viễn Phương đã diễn tả cảm xúc của mình khi ở trong lăng Bác.
Bước 2: Hình ảnh nổi bật trong khổ thơ: Giấc ngủ bình yên, vầng trăng sáng dịu hiền, trời xanh. Biện pháp tu từ: Nói giảm nói tránh, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.
Bước 3: Đoạn thơ thể hiện niềm xúc động nghẹn ngào và nỗi tiếc thương vô hạn của nhà thơ với Bác.
Nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là bàn luận vấn đề thuộc đạo đức, lối sống, nhân cách con người và ứng xử trong xã hội như đức tính khiêm tốn, tinh thần lạc quan, tấm gương vượt khó… (tích cực) hay lối sống ích kỉ hưởng thụ, bệnh vô cảm, sự dối trá… (tiêu cực).
Dù đề bài yêu cầu nghị luận về vấn đề tích cực hay tiêu cực, viết đoạn văn hay bài văn thì bài viết vẫn phải đầy đủ 3 luận điểm sau:
- Luận điểm 1: Giải thích các khái niệm, quan niệm, khái quát vấn đề cần nghị luận là gì.
- Luận điểm 2: Nhận định, đánh giá về vấn đề tư tưởng đạo lí.
- Luận điểm 3: Phản đề, bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Ví dụ: Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải mang khát vọng được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, như bông hoa tỏa sắc hương. Trong bài thơ Một khúc ca xuân, Tố Hữu cũng đã viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Hãy trình bày ý kiến của em về quan niệm sống trong câu thơ trên của Tố Hữu bằng một bài văn.
– Luận điểm 1: Giải thích, đánh giá:
+ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”: Biết cho đi yêu thương, sống tận tâm, quan tâm những người xung quanh, có trách nhiệm với chính mình và người khác.
+ Giữa “cho” và “nhận” luôn có mối quan hệ khăng khít với nhau. Muốn nhận được điều tốt đẹp ta phải biết “cho” đi những điều tốt đẹp.
– Luận điểm 2: Nhận định, đánh giá về vấn đề tư tưởng đạo lí.
+ Biểu hiện của sự cho đi: Chúng ta có thể “cho” đi về vật chất hoặc sẻ chia về mặt tinh thần.
+ Tác dụng của việc cho đi: Cuộc sống trở nên vui vẻ, ý nghĩa; nhận được tình cảm yêu thương, sự kính trọng từ mọi người…
+ Kết hợp hài hòa giữa “cho” và “nhận”.
+ Nêu một số tấm gương của việc cho và nhận: Hồ Chí Minh, Bill Gates…
– Luận điểm 3: Phản đề, bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
+ Lối sống vô cảm, sống chỉ biết “nhận” chứ không hề “cho” – “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” đáng phê phán.
+ “Cho” đi đúng lúc, đúng mức, không nên mù quáng.
+ Bài học trong cuộc sống: biết yêu thương, trân trọng cuộc sống.
Cách lập dàn ý
1. Mở bài
Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: dẫn dắt câu nói, dẫn dắt vào nội dung. Thể hiện chủ đề muốn nghị luận bằng các giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhưng phải nêu được mong muốn nghị luận là gì.
2. Thân bài
+ Giải thích khái niệm:
Đối với đề bài có câu nói: trích dẫn câu nói, phân tích câu nói. Nếu câu nói dài, có thể giải thích thông qua các từ khóa và ý nghĩa chính cần biểu đạt.
Đối với đề bài không có trích dẫn câu nói: phân tích từ khóa quan trọng. Khi đó, đề tài mang đến chủ đề thảo luận nghị luận là gì. Các từ khóa phải được đảm bảo giải thích với mục đích của bài làm.
→ Rút ra ý nghĩa, bài học từ câu nói. Trong đó, thể hiện với ý nghĩa của quan điểm đã được khẳng định với thời gian.
+ Phân tích:
Phần phân tích trả lời cho câu hỏi: tại sao? Các luận điểm và luận cứ để làm rõ các khía cạnh. Mang đến hiệu quả làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng trong quan điểm nhìn nhận của tác giả.
+ Chứng minh:
Dẫn chứng từ nhân vật (văn học, lịch sử, khoa học xã hội…). Các nhân vật có thật, các câu chuyện có thật cùng sự chắc chắn về tính chính xác. Có thể thông qua các chứng minh theo khoa học, theo kiến thức.
Dẫn chứng từ thực tế đời sống: những tấm gương tiêu biểu từ đời sống.
+ Phản biện:
Lật ngược vấn đề:
Đối với đề bài phân tích xuôi (vd: bàn luận về ý kiến: “có chí thì nên”) thì phản biện ngược (những người không có chí thì sẽ…) và ngược lại. Từ đó mang đến cái nhìn đúng đắn được khẳng định. Càng tăng tính thuyết phục với nghị luận trong quan điểm của người viết.
3. Kết bài
Bài học nhận thức và phương hướng hành động.
Liên hệ bản thân và ý nghĩa với xã hội.
Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống
1. Đặc điểm
Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống là bàn luận, trình bày quan điểm về một hiện tượng xảy ra trong thực tế, thu hút sự quan tâm của nhiều người như nếp sống văn minh đô thị, nghiện mạng xã hội, cuồng thần tượng…
2. Nội dung
- Vấn đề nhận thức: lí tưởng, mục đích sống, nghề nghiệp, ước mơ…
- Vấn đề về đạo đức, tâm hồn, tính cách: lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi…
- Vấn đề về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em…
- Vấn đề về các quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn…
- Vấn đề về cách ứng xử, đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống.
3. Hình thức
- Dạng ngắn: Một câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn, châm ngôn, câu thơ…
- Dạng dài: Một bài thơ/truyện ngắn mang ý nghĩa triết lí…
4. Cách làm bài
a) Mở bài:
- Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận
- Nêu vấn đề cần nghị luận ra (trích dẫn)
- Phải làm gì về vấn đề đưa ra nghị luận (có tính chuyển ý)
b) Thân bài:
* Bước 1: Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…).
Tùy theo yêu cầu đề bài có thể có những cách giải thích khác nhau:
- Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.
- Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.
- Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập.
* Lưu ý: Tránh sa vào cắt nghĩa từ ngữ (theo nghĩa từ vựng).
* Bước 2: Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…)
Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là trả lời câu hỏi: Tại sao? (Vì sao?) Vấn đề được biểu hiện như thế nào? Có thể lấy những dẫn chứng nào làm sáng tỏ?
* Bước 3: Bình luận, đánh giá (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến…):
- Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng – sai, đóng góp – hạn chế của vấn đề.
- Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận (…)
- Mở rộng vấn đề
* Bước 4: Rút bài học nhận thức và hành động
- Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm, … (Thực chất trả lời câu hỏi: từ vấn đề bàn luận, hiểu ra điều gì? Nhận ra vấn đề gì có ý nghĩa đối với tâm hồn, lối sống bản thân?…)
- Bài học hành động – Đề xuất phương châm đúng đắn, phương hướng hành động cụ thể (Thực chất trả lời câu hỏi: Phải làm gì? …)
c) Kết bài:
- Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (…)
- Lời nhắn gửi đến mọi người (…)