Đó là thông tin được các nhà nghiên cứu của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đưa ra vào ngày 24/11.
Theo nghiên cứu, 253.000 ca tử vong sớm là do nồng độ bụi mịn PM2.5 cao hơn giới hạn tối đa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Ngoài ra, hơn 52.000 ca tử vong là do nồng độ nitơ dioxide cực cao và 22.000 ca tử vong là do tiếp xúc ngắn hạn với nồng độ ozone cực cao.
Ông Virginijus Sinkevičius, Ủy viên Môi trường EU, cho rằng những con số trên tiếp tục là lời nhắc nhở rằng ô nhiễm không khí vẫn là vấn đề sức khỏe môi trường hàng đầu tại EU.
Ôtô di chuyển đông đúc trên đường ở thành phố Munich – Đức Ảnh: REUTERS
Trong giai đoạn 2005-2021, số ca tử vong do bụi mịn PM2.5 ở EU đã giảm 41% và EU đặt mục tiêu giảm con số này xuống 55% vào cuối thập kỷ này. Ông Sinkevičius cho rằng chất lượng không khí đang được cải thiện nhưng EU vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Việc đốt nhiên liệu hóa thạch, lái xe và chăn nuôi gia súc thải ra một lượng lớn khí độc và các hạt bụi có hại mà con người hít thở. Những hạt bụi mịn nhỏ nhất này, được gọi là PM2.5, có thể xâm nhập vào máu, nơi chúng lan rộng khắp cơ thể và làm tổn thương các cơ quan từ não đến hệ thống sinh sản.
Bà Leena Ylä-Mononen, Giám đốc điều hành của EEA, cho biết: “Có tin tích cực là các cơ quan chức năng ở cấp châu Âu, quốc gia và địa phương đang hành động để giảm lượng khí thải thông qua các biện pháp như thúc đẩy giao thông công cộng hoặc đi xe đạp trong trung tâm thành phố và thông qua sửa đổi pháp luật về ô nhiễm môi trường”.