Theo tài liệu Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 30/11 (giờ Việt Nam), hai trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 độc lực cao đều được phát hiện tại cùng một ngôi làng ở tỉnh Kampot – Campuchia.
Bộ Y tế Campuchia cho biết bệnh nhân đầu tiên là nữ, độ tuổi 20-25, đến bệnh viện 4 ngày sau khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Bệnh nhân này đã tử vong khi đang nằm viện.
Trường hợp thứ hai là bé gái 5 tuổi, được phát hiện trong quá trình tăng cường giám sát sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên. Bé này bị sốt, ho, phát ban và vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Virus cúm A/H5N1 – Ảnh đồ họa: TIN TỨC-MEDICAL
Kết quả điều tra dịch tễ học cho thấy cả hai người đều tiếp xúc với gia cầm ở sân sau, được báo cáo là bị bệnh và một số đã chết trong tháng trước.
Các đội phản ứng nhanh cấp quốc gia và địa phương của Bộ Y tế Campuchia đang điều tra nguồn lây nhiễm và điều phối các hoạt động giám sát và ứng phó bổ sung.
Như vậy, trong năm nay Campuchia đã xác định có tới 6 trường hợp mắc cúm A/H5N1. Cúm A/H5N1 là chủng cúm rất linh hoạt, có thể gây bệnh nặng và tử vong cao nên dù chỉ có 1 trường hợp phải khai báo theo Quy định Y tế Quốc tế.
Tại Việt Nam, chủng cúm có độc lực cao này được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, cùng với các bệnh bại liệt, dịch hạch, đậu mùa, sốt vàng da, dịch tả, Ebola, Marburg, Lassa…
WHO cho biết virus cúm A/H5N1 thường lưu hành ở động vật nhưng có thể lây nhiễm sang người. Trong 20 năm qua, thế giới ghi nhận 882 ca mắc cúm A/H5N1 ở người, được báo cáo từ 23 quốc gia, trong đó hơn một nửa tử vong (461 người).
Dựa trên các bằng chứng cho đến nay, virus không dễ dàng truyền từ động vật sang người và việc lây truyền từ người sang người là điều bất thường.
Do vi-rút tiếp tục lưu hành ở gia cầm, đặc biệt là ở vùng nông thôn Campuchia, dự kiến sẽ có thêm các trường hợp lây nhiễm lẻ tẻ ở người.
Dựa trên thông tin có sẵn cho đến nay, WHO đánh giá khả năng lây truyền bền vững từ người sang người của loại virus này là thấp và nguy cơ đối với dân chúng nói chung là thấp. Việc đánh giá rủi ro sẽ được xem xét lại khi cần thiết nếu có thêm thông tin.
WHO nhấn mạnh rằng không nên thực hiện hạn chế đi lại dựa trên thông tin hiện có về sự kiện này và cũng không nên khuyến nghị sàng lọc khách du lịch.
Cơ quan y tế này chỉ khuyến cáo người dân giữ vệ sinh tay và tránh ăn thịt gia cầm, chim hoang dã bị bệnh hoặc chết đột ngột.
Người dân cũng được yêu cầu báo cáo ngay với cơ quan chức năng khi có trường hợp động vật mắc bệnh, chết đột ngột và đến ngay cơ sở y tế khi tiếp xúc với động vật hoặc môi trường bị ô nhiễm, cảm thấy không khỏe. .