JN.1 là nhánh trực tiếp của BA.2.86, còn gọi là “Pirola”, nhờ đột biến ở protein gai, nó có thể trốn tránh miễn dịch, lây lan nhanh chóng.
Kể từ tháng 12/2023, JN.1 nhanh chóng vượt qua hàng loạt phiên bản khác của virus, trở thành biến chủng lưu hành mạnh mẽ nhất toàn cầu.
JN.1 là gì?
JN.1 được báo cáo lần đầu vào tháng 8/2023, đến nay đã lan sang ít nhất 43 quốc gia, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngày 18/12, WHO phân loại nó là “biến chủng được quan tâm”, có tốc độ lây lan nhanh chóng toàn cầu. Giống với các chủng chiếm ưu thế khác trong năm ngoái, JN.1 thuộc họ Omicron, là thế hệ tiếp theo của BA.2.86.
William Schaffner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết dù cùng phân nhánh, JN.1 vẫn có các đặc tính riêng. BA.2.86 có 30 đột biến so với chủng trước đó là XBB.1.5, chiếm ưu thế trong hầu hết năm 2023. Đây cũng là mục tiêu chính của các loại vaccine cập nhật.
“Khi BA.2.86 xuất hiện, mọi người đều lo lắng vì nó có nhiều đột biến, có thể trốn tránh khả năng miễn dịch từ vaccine. Dù vậy, nó đã thất bại trong việc gây ra làn sóng dịch bệnh mới”, Andrew Pekosz, giáo sư miễn dịch học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết.
Tuy nhiên, JN.1 có thêm đột biến ở protein gai. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, các protein này giúp virus bám vào tế bào người, có thể lây nhiễm nhanh chóng trong cộng đồng.
Các triệu chứng của JN.1 là gì?
WHO chưa có phát ngôn về mức độ nghiêm trọng của người bệnh sau khi lây nhiễm JN.1. Hiện các nhà khoa học chia thành nhiều luồng ý kiến khi phát biểu về vấn đề này.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cell đầu tháng 1 cho thấy JN.1 có thể lây nhiễm vào các tế bào vùng dưới phổi, khiến các triệu chứng bệnh nặng hơn. Theo các chuyên gia, JN.1 bám vào tế bào hiệu quả, tham gia vào phản ứng tổng hợp màng tế bào của vật chủ.
Dù vậy, một số nhà khoa học cho rằng JN.1 không có gì khác biệt với các chủng virus trước đây. Tiến sĩ Eduardo Aziz-Baumgartner, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, nhận định nó không gây ra triệu chứng nặng hơn. Các vấn đề bệnh nhân gặp phải tương tự giai đoạn trước của đại dịch, gồm đau họng, ngạt mũi, sổ mũi, ho, đau đầu, đau cơ, sốt hoặc ớn lạnh, mất vị giác hoặc khứu giác, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy.
Theo CDC, loại triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân thường phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khỏe sẵn có và khả năng miễn dịch cơ bản, thay vì bản thân virus.
Vaccine Covid-19 tại một trung tâm y tế ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP).
JN.1 có dễ lây truyền hơn không?
Theo giáo sư Schaffner, một trong những điểm chung của các biến chủng họ Omicron là dễ lây lan. Phiên bản virus xuất hiện sau có mức truyền nhiễm tốt hơn trước đó. CDC cho biết sự phát triển liên tục của JN.1 cho thấy biến chủng có khả năng lây truyền cao hơn, mức độ nhân lên tốt hoặc trốn tránh miễn dịch hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, còn quá sớm để nói chính xác khả năng lây lan hoặc đặc tính thoát miễn dịch của JN.1. Tuy nhiên, nó đã gây ra làn sóng Covid-19 tại nhiều quốc gia.
Xét nghiệm thông thường có phát hiện được JN.1 không?
Theo CDC, tất cả xét nghiệm chẩn đoán Covid-19, gồm xét nghiệm nhanh và PCR đều hiệu quả với JN.1, cũng như các biến chủng khác. Schaffner cho biết xét nghiệm là công cụ quan trọng để bảo vệ bản thân và những người khác khỏi Covid-19.
Các chuyên gia lưu ý triệu chứng Covid-19 thường khó phân biệt với virus đường hô hấp khác, lây lan khi trời lạnh như RSV, cúm và rhovirus. Họ kêu gọi những người có biểu hiện như sốt, ho, đau họng hạn chế tiếp xúc với cộng đồng, tránh tình trạng bệnh lây lan sang nhóm dễ tổn thương hơn.
Vaccine còn hiệu quả trước JN.1 hay không?
CDC cho biết các loại vaccine ngừa Covid-19 mới, đã cập nhật có thể tăng cường khả năng bảo vệ chống JN.1, cũng như các biến chủng khác. Trước đó, một số chuyên gia nhận định vaccine dựa trên biến chủng XBB.1.5 kém hiệu quả trước HV.1, JN.1, EG.5. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học cho thấy nó vẫn bảo vệ người dùng trước tình trạng chuyển nặng và tử vong.
Dữ liệu từ các nghiên cứu phòng thí nghiệm cho thấy vaccine tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, chống lại “họ hàng” của JN.1 là BA.2.86.
Cách bảo vệ bản thân khỏi JN.1
Để bảo vệ bản thân trước Covid-19 và các loại virus đường hô hấp trong thời tiết lạnh, các chuyên gia khuyến nghị tiêm chủng đủ liều vaccine, theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của bản thân, cách ly nếu nhiễm Covid-19, tránh tiếp xúc với người bệnh, thông khí nhà ở, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên với xà phòng.
- Nghiên cứu cho thấy Covid-19 khiến con người già nhanh hơn
- WHO công bố biến chủng Covid mới “đáng quan tâm”
- Phát hiện “lỗi” trong vắc xin Covid Moderna, Pfizer: Khoa học nói gì?