Theo Popular Science, một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nhà sinh thái học Gavin Jones (Trạm nghiên cứu Rocky Mountain) lưu ý rằng các vụ cháy rừng ngày càng thường xuyên và dữ dội đang định hình quá trình tiến hóa ở nhiều loài.
Cháy rừng giết chết một số loài động vật nhưng lại giúp các loài động vật khác sống sót, từ đó xác định gen của loài nào được truyền lại cho thế hệ tương lai. Quá trình một số cá thể sống sót tốt hơn những cá thể khác là quá trình chọn lọc tự nhiên – động lực thúc đẩy quá trình tiến hóa. Cá thể may mắn sở hữu một số đặc điểm không chỉ cho phép nó sống sót sau đám cháy mà còn có thể phát triển mạnh trong môi trường sống bị cháy, sau đó sinh sản thành công.
Cháy rừng cũng có thể đóng vai trò kết nối, tạo ra môi trường sống khuyến khích các thành viên cùng loài hòa hợp với nhau. Tuy nhiên, không thể loại trừ rằng các đám cháy đã chia một số quần thể nhất định thành nhiều nhóm nhỏ, biệt lập, dẫn đến cận huyết và cuối cùng là tuyệt chủng.
Động vật hoang dã sẽ thích nghi đủ nhanh? Ông Jones cho biết những loài có quần thể lớn và thời gian thế hệ ngắn như côn trùng tiến hóa nhanh hơn những loài có thời gian thế hệ dài.
Cháy rừng ảnh hưởng đến sự tiến hóa.
Bọ lửa đen
Bọ lửa đen rất thích lửa, chúng tìm những gốc cây mới đốt để đẻ trứng. Cháy rừng còn giúp xua đuổi các loài động vật ăn trứng côn trùng. Vì vậy, loài này đã phát triển các cơ quan thụ cảm ẩn sau chân có khả năng phát hiện nhiệt, cho chúng biết chính xác nơi có lửa cách xa hàng chục km. Cơ quan thụ cảm hoạt động nhờ vào hàng loạt túi nước nhỏ nằm bên trong, chúng nở ra khi nhiệt độ tăng lên.
Chim gõ kiến lưng đen
Loài này làm tổ trong những thân cây cháy thành than hoặc những cây chết đứng – nơi lông của chúng giúp ngụy trang. Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tổ chim càng nằm gần khu rừng chưa bị cháy (có nhiều cây che phủ bảo vệ) thì tỷ lệ chim non sống sót đến tuổi trưởng thành càng cao. Như vậy, gen của các cá thể làm tổ ở xa nơi cháy rừng sẽ được truyền lại.
Theo nghiên cứu bổ sung, chim gõ kiến lưng đen sẽ bay đến những khu rừng bị cháy 3-5 năm sau trận hỏa hoạn để tìm kiếm bọ, cho phép các quần thể khác nhau chia sẻ gen thông qua giao phối.
Thằn lằn hàng rào phương Tây
Thằn lằn hàng rào phương Tây có bụng màu xanh và lưng màu nâu, đen hoặc xám. Ở Nam California, Mỹ, chúng thường nằm trên những thân cây bụi đen và tránh những bề mặt trắng không phù hợp. Theo thời gian, hành vi này làm tăng số lượng cá thể có màu sẫm.
Cú đốm
Cú đốm cần những khu rừng tươi tốt để tồn tại. Nhưng khi hỏa hoạn xảy ra, không phải tất cả cá thể đều chết hoặc di cư đi nơi khác. Hệ thống GPS phát hiện cú đốm thích săn mồi ở những mảng rừng bị cháy nặng – đặc biệt là những mảng rừng tương đối nhỏ khoảng 1 đến 10 ha – được bao quanh bởi cây xanh nguyên vẹn (thích hợp để làm tổ). Phát hiện này cho thấy chúng đã thích nghi với cháy rừng.
Bướm xanh Boisduval
Hoa dại Lupin – thức ăn ưa thích của ấu trùng bướm và các loài thụ phấn khác – phát triển mạnh mẽ sau cháy rừng. Tại Công viên Quốc gia Yosemite ở California, cháy rừng đã khuyến khích các quần thể bướm xanh Boisduval biệt lập tương tác với nhau, làm tăng tính đa dạng đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung của loài.
- Xe chữa cháy rừng thế hệ mới
- Cây cổ thụ hồi sinh sau cháy rừng nhờ mầm cây 2.000 năm tuổi
- Khói cháy rừng là kẻ sát nhân đối với nhân loại