Lượng mưa chưa từng có đã nhấn chìm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vào tuần trước, khiến cuộc sống ở Dubai và nhiều nơi khác trong khu vực rơi vào bế tắc.
Lũ lụt sau “đại hồng thủy” ở Dubai dữ dội đến mức vệ tinh có thể quan sát từ không gian vài ngày sau khi mây tan và những giọt mưa cuối cùng rơi xuống, CNN đưa tin hôm 22/4.
Vệ tinh Landsat 9 (đồng sở hữu bởi NASA và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ) đã bay qua UAE vào ngày 19/4 – chưa đầy hai ngày sau khi tạnh mưa – để chụp ảnh những vũng nước lớn khắp nơi.
Khu vực Jebel Ali, ngoại ô phía nam Dubai, trước và sau trận lũ lịch sử. (Ảnh: NASA).
Theo quan sát vệ tinh, chúng có màu xanh đậm, thể hiện rõ nét sự tương phản giữa nước lũ và mặt đất khô hạn của khu vực – có màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm. Trong ảnh, lũ lụt được thể hiện ở phần cực nam của Dubai, trong khi không thấy trung tâm đô thị hóa cao của đất nước.
Các bức ảnh được chụp bằng màu nhân tạo của Landsat 9 để làm nổi bật hình dáng của nước trên vùng đất khô. Vì vậy, màu sắc hiển thị tuy không chính xác như khi nhìn từ không gian nhưng giúp người xem dễ dàng nhận biết sự khác biệt trước và sau lũ trên đất liền.
Vệ tinh cũng ghi lại cảnh lũ lụt dữ dội ở Abu Dhabi (thủ đô của UAE). Những vùng nước nhỏ, nông sẽ có màu xanh nhạt. Vùng nước lớn hơn, sâu hơn có màu xanh đậm.
Hình ảnh vệ tinh trước và sau cơn mưa lịch sử ở Abu Dhabi. (Ảnh: NASA).
Hầu hết đất nâu khô cũng xuất hiện màu xanh nhạt sau mưa. Điều này cho thấy mặt đất ở nhiều khu vực vẫn giữ được độ ẩm do mưa, ngay cả khi không bị ngập hoàn toàn.
Hãng thông tấn WAM của UAE gọi trận mưa ngày 16/4 là “sự kiện thời tiết lịch sử” , vượt qua “bất kỳ trận mưa nào được ghi nhận kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1949”.
Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE, lượng mưa 254 mm được ghi nhận trong vòng chưa đầy 24 giờ tại thành phố Al Ain, một phần của Tiểu vương quốc Abu Dhabi, giáp với Oman. Tại sân bay quốc tế Dubai ngày 16/4, lượng mưa đo được gần 100 mm chỉ trong 12 giờ, tương đương lượng mưa trong 2 năm của thành phố.
Những trận mưa lớn bất thường này sẽ diễn ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Khi bầu không khí tiếp tục ấm lên, nó có thể hấp thụ nhiều độ ẩm như một chiếc khăn, sau đó thoát ra dưới dạng lũ lụt nghiêm trọng hơn.
- Dubai bất ngờ ngập lụt khủng khiếp: Siêu xe nổi trên đường phố, máy bay “lướt trên mặt nước”
- Bầu trời Dubai bỗng xanh trong cơn bão lịch sử, đây là hiện tượng gì?
- Giữa cái nóng trên 50 độ C, UAE tạo thành công mưa xối xả