Con tàu mất tích có kích thước tương đương một con cá voi sát thủ. (Ảnh: OceanGate)
Đội cứu hộ từ nhiều quốc gia đang chạy đua với thời gian để xác định vị trí con tàu và 5 người bên trong, trước khi lượng ôxy trong tàu cạn kiệt.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm trên vùng biển rộng 20.000km2 thuộc Bắc Đại Tây Dương với độ sâu hơn 3km không hề dễ dàng.
“Ở đó rất tối, rất lạnh. Đáy biển tối và gập ghềnh. Bạn thậm chí không thể nhìn rõ bàn tay của mình trước mặt. Nó giống như một phi hành gia đi vào vũ trụ vậy”, Tim Maltin, một chuyên gia về tàu Titanic, nói với NBC News .
Những người ngồi trên tàu không thể tự mình ra ngoài vì tàu chỉ có thể được mở từ bên ngoài.
Con tàu Titan dài 6,5m mất tích hôm 18/6 chở theo 3 du khách: tỷ phú người Anh Hamish Harding, tài phiệt Pakistan Shahzada Dawood và con trai Suleman.
Stockton Rush – Giám đốc điều hành của OceanGate Expeditions – và thợ lặn người Pháp Paul-Henri Nargeolet cũng có mặt trên tàu. Nargeolet được đặt biệt danh là Mr Titanic vì thường xuyên lặn ở khu vực này.
OceanGate Expeditions, chuyên thực hiện các chuyến thám hiểm dưới đáy biển bằng tàu Titan, thu 250.000 USD mỗi chuyến.
Thiếu chuyên môn và thiết bị
Ngày 20/6, Đô đốc Jamie Frederick, chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, nói với báo chí rằng lực lượng này đang phối hợp tìm kiếm.
Tuy nhiên, ông thừa nhận đây là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, vượt xa những nhiệm vụ thông thường lực lượng chức năng đảm nhận.
Đô đốc Jamie Frederick cho biết: “Khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đảm nhận vai trò điều phối nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi không có đủ chuyên môn và trang thiết bị cần thiết cho nhiệm vụ như thế này.
“Đây là một nhiệm vụ phức tạp, cần nhiều lực lượng có chuyên môn và thiết bị chuyên dụng phối hợp với nhau”, chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ nhìn nhận.
Frederic cũng cho biết lực lượng cứu hộ đang sử dụng nhiều phương pháp tìm kiếm trên một khu vực rộng lớn dưới đáy biển, nhằm xác định vị trí của Titan. Con tàu này mất liên lạc với tàu mẹ chỉ 2 giờ sau khi bắt đầu hành trình xuống đáy biển.
“Các nỗ lực cứu hộ được tập trung cả trên mặt nước và dưới biển, với C-130 tìm kiếm bằng mắt thường và radar, và P3 tìm kiếm dưới nước. Chúng tôi cũng thả và giám sát bằng sonar,” Frederic nói.
Cho đến nay, các nỗ lực cứu hộ vẫn chưa mang lại kết quả.
Jules Jaffe, thành viên của nhóm phát triển hình ảnh quang học để tìm Titanic vào năm 1985, cho biết đội cứu hộ sẽ phải tìm kiếm ở ba khu vực.
“Nó có thể ở dưới đáy đại dương, đâu đó trong dòng hải lưu hoặc trên bề mặt đại dương,” Jaffe nói với ABC10 .
Theo Jamie Pringle, giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Keele, Anh, sẽ rất khó tìm thấy nếu con tàu nằm dưới đáy biển.
“Đáy đại dương không bằng phẳng, có rất nhiều đồi và hẻm núi,” Pringle nói với NBC .
Một thách thức lớn là áp suất ở độ sâu gần 4km lớn hơn khoảng 400 lần so với trên bề mặt.
Tàu ngầm hạt nhân thường chỉ hoạt động ở độ sâu 300m.
Ngày 20/6, các đội tìm kiếm nghe thấy tiếng nổ cách nhau 30 phút, CNN dẫn nội dung một bản ghi nhớ nội bộ của chính phủ Mỹ cập nhật về cuộc tìm kiếm, cho biết.
Các đội cứu hộ vẫn nghe thấy tiếng đập 4 giờ sau đó, sau khi các thiết bị sonar được thả xuống.
Một bản cập nhật tiếp theo được gửi vào tối ngày 20 tháng 6 cho biết lực lượng cứu hộ đã nghe thấy nhiều âm thanh hơn, nhưng không được mô tả là “tiếng đập”. Tuy nhiên, tín hiệu cho thấy “vẫn còn hy vọng sống sót”, bản cập nhật cho biết.
Nguồn: AP, CNN