Ít người biết rằng Nhật Bản có một lịch sử ẩm thực phong phú về việc ăn côn trùng. Dế chiên hoặc tẩm đường là món ăn nhẹ được bán ở nhiều thị trấn nông thôn. Châu chấu, tằm, ong bắp cày là những món ăn đặc trưng ở vùng đất khan hiếm cá.
Hiện nay, các công ty đang phát triển các trang trại côn trùng quy mô lớn, quảng bá côn trùng dựa trên giá trị dinh dưỡng cao và lợi ích cho môi trường.
Trên khắp Nhật Bản, có những cửa hàng chuyên bán thức ăn làm từ nhện, dế, mọt và ve sầu. Đối với những nhà hàng tổ chức sự kiện khuyến mãi, trong thực đơn cũng sẽ có những món ăn liên quan đến côn trùng.
Một bữa ăn cân bằng dinh dưỡng
Gryllus Co. là công ty công nghệ thực phẩm được thành lập vào năm 2019 bởi giáo sư sinh học Takahito Watanabe, mục đích là nuôi dế và biến dế thành nguồn thức ăn. Triết lý của công ty là tạo ra sự hài hòa mới, giúp giải quyết vấn đề lãng phí protein, xây dựng chuỗi thức ăn toàn cầu và cung cấp thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Người phát ngôn của công ty Fumiya Aokubu cho biết: “Dế từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân Nhật Bản. Chúng tôi coi đó là một nguồn tài nguyên quan trọng, có giá trị và hữu ích. Nuôi dế rất thân thiện với môi trường vì cần ít đất, ít nước và ít nguyên liệu thô. Đồng thời nuôi dế cũng cho năng suất cao hơn nhiều so với nuôi lợn, bò, gà”.
Watanabe và nhóm của ông đã tiến hành nghiên cứu để xác định giá trị dinh dưỡng của dế và đưa loài côn trùng này vào ngành công nghiệp thực phẩm. Qua nghiên cứu, họ nhận thấy dế chứa nhiều canxi, magie, kẽm, sắt, vitamin và chất xơ. Ngoài ra, dế còn có thể chế biến thành mỹ phẩm, dược phẩm cũng như phân bón.
Aokubu tiết lộ: “Chúng tôi đang nghiên cứu chế biến dế thành dầu và bột để có thể dùng nấu ăn, làm bánh quy hoặc các món ăn khác. Ngoài dế, chúng tôi cũng muốn mở rộng mô hình của mình sang các loài côn trùng khác trong tương lai.”
Gần đây, các loại bột làm từ côn trùng đã được sử dụng trong bữa trưa và bữa phụ ở nhiều trường học.
Giá rẻ và thân thiện với môi trường
Michiko Muira, quản lý nhà hàng Take-Noko cho biết: “Ngày nay, mọi người không còn quá xa lạ với các món ăn từ côn trùng. Vì vậy, chúng tôi muốn tạo ra một nơi mà họ có thể ăn chúng theo cách thân mật và tự nhiên nhất.”
Ngoài việc kinh doanh thông thường, nhà hàng này còn kinh doanh nhiều loại thực phẩm côn trùng đóng gói. Nhà hàng cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện nếm thử côn trùng. “Dế và châu chấu là thực phẩm quen thuộc với nhiều người, nhưng chúng tôi cũng bán cả tằm và nhện”, Ryota Mitsuhashi, người giám sát quá trình phát triển thực phẩm cho biết.
Các món ăn từ tằm, nhện cũng được nhiều người lựa chọn
“Thịt viên” côn trùng
Món côn trùng yêu thích của Mitsuhashi là ấu trùng ong bắp cày, được chế biến theo cách truyền thống của một thị trấn miền núi miền trung Nhật Bản. Nó có thể được phục vụ với súp miso, gừng và đậu phộng xay.
Mitsuhashi cho biết thêm: “Thông điệp quan trọng nhất mà nhà hàng muốn truyền tải đến thực khách là những món ăn chúng tôi bán phải thật ngon, rẻ và thân thiện với môi trường”.
Nhiều công ty khác ở Nhật Bản cũng đang muốn khai thác tiềm năng từ nguồn thức ăn côn trùng. Ví dụ, tiệm bánh mì Pasco bán bột làm tại nhà, làm từ dế xay.
Tại thành phố phía nam Kumamoto, một chiếc máy bán hàng tự động đã thu hút sự chú ý của người dân. Máy bán các sản phẩm côn trùng làm sẵn, chẳng hạn như bọ lặn, nhộng, bọ tê giác và dế. Ngoài ra, còn có một số món được phủ socola phục vụ thực khách hảo ngọt.
Theo Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050. Khi đó, tình trạng thiếu lương thực trên diện rộng có thể xảy ra. Và con người sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn về các loại thực phẩm làm từ côn trùng.
Nguồn: Tổng hợp