Ngày 26/8, cơ quan hải sản Nhật Bản xác nhận không phát hiện chất phóng xạ tritium sau khi tiến hành kiểm tra sinh vật biển xung quanh nhà máy hạt nhân Fukushima.
Trước đó chiều 24/8, phía Nhật Bản đã xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương. Động thái này vấp phải những lo ngại nhất định bởi lượng nước thải ra vẫn chứa tritium – chất phóng xạ có thể gây ung thư.
Tuy nhiên, phía Nhật Bản khẳng định kế hoạch xả tàu an toàn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nước uống chứa ít hơn 10.000 becquerel/lít tritium (becquerel là đơn vị đo độ phóng xạ). Đối với nước thải hạt nhân được Nhật Bản thải ra môi trường ngày 24/8 chỉ có nồng độ tritium khoảng 190 becquerel/lít, theo Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO).
Ngư dân đánh bắt cá ở Fukushima ngày 24/8. Ảnh: Reuters
Cơ quan Thủy sản Nhật Bản sẽ tiếp tục lấy mẫu, kiểm nghiệm và công bố kết quả trên website chính thức. Quá trình này dự kiến sẽ kéo dài tới tháng sau. Kết quả vừa được công bố dựa trên mẫu lấy ngày 25/8.
Reuters cho biết, quá trình Nhật Bản xả nước phóng xạ đã qua xử lý sẽ mất hàng chục năm. Người ta ước tính lượng nước phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Fukushima vào khoảng 1,3 triệu tấn.
Để đảm bảo an toàn, TEPCO cho biết họ đã sử dụng Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để xử lý nước. Bên cạnh đó, nước phóng xạ còn được pha loãng để giảm nồng độ tritium xuống mức an toàn.
Đồ họa quá trình xử lý nước phóng xạ qua hệ thống ALPS (Ảnh: IAEA)
Được biết, năm 2023, phía Nhật Bản sẽ có 4 lần xả nước phóng xạ đã qua xử lý với tổng số hơn 31.000 tấn nước.
Nguồn: Reuters, Asahi