Nhiệt độ trên 45 độ C, có thể lên đến 50 độ C sẽ thường xuyên xảy ra ở Địa Trung Hải và Trung Đông trong tương lai, theo kết quả mô phỏng của các nhà nghiên cứu.
Địa Trung Hải vừa trải qua mùa xuân nóng nhất được ghi nhận. Trong đợt nắng nóng tháng 4, khu vực ghi nhận nhiệt độ cao hơn bình thường tới 20 độ C tại Algeria, Morocco, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Nhiệt độ khắc nghiệt trong các đợt nắng nóng gây nguy hiểm cho những người phải làm việc ngoài trời. (Ảnh: Reuters).
Các nhà khoa học thường không khẳng định biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính xác đằng sau một sự kiện thời tiết nhất định, nhưng lần này thì khác. World Weather Attribution, một tổ chức lập mô hình khí hậu, cho biết khí nhà kính đã làm tăng khả năng xảy ra sóng nhiệt ở Địa Trung Hải lên 100 lần.
Trong một bài báo về Khí hậu và Khoa học Khí quyển, Nikolaos Christidis, nhà khí hậu học tại Văn phòng Khí tượng Anh, phân tích các kịch bản khí hậu trong tương lai cho Địa Trung Hải và Trung Đông khi thế giới tiếp tục ấm lên. Các nhà nghiên cứu muốn xác định tần suất những ngày có nhiệt độ lên tới 50 độ C xảy ra.
Nhóm của Christidis sử dụng dữ liệu từ hàng chục địa điểm giám sát, từ Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha đến Ai Cập và Qatar. Đầu tiên, họ tạo ra một mô phỏng trên máy tính về một thế giới tiền công nghiệp nơi con người chưa thay đổi bầu khí quyển. Ở kịch bản này, những ngày nắng nóng 50 độ C gần như không thể xảy ra. Nếu không có khí nhà kính, những hiện tượng cực đoan này sẽ chỉ xảy ra ở Ả-rập Xê-út và bờ biển Tuy-ni-di, với tần suất ít hơn một lần trong một thế kỷ.
Tiếp theo, họ mô phỏng lượng khí thải của thế giới ở mức gần như hiện nay, với các quốc gia giảm nhưng không ngừng phát thải hoàn toàn. Mức độ carbon dioxide trong không khí sẽ vào khoảng 600 phần triệu vào năm 2100, tăng từ khoảng 400 phần triệu hiện nay. Theo kịch bản này, mỗi năm sẽ có một đợt nắng nóng lên tới 45 độ C ở Địa Trung Hải và cứ khoảng 10 năm lại có một đợt nắng nóng tới 50 độ C trên khắp Địa Trung Hải và Trung Đông.
Với mức nhiệt này, hạn hán và hỏa hoạn sẽ xảy ra thường xuyên hơn, trong khi năm 2022 đã là mùa cháy rừng nghiêm trọng thứ hai được ghi nhận ở châu Âu và Địa Trung Hải. Nhiệt độ cực cao có thể làm chảy nhựa đường, làm cong đường ray và khiến công việc ngoài trời trở nên nguy hiểm.
Sóng nhiệt đã gây ra 8% tổng số ca tử vong liên quan đến thời tiết. Nguyên nhân là do nhiệt độ kết hợp với độ ẩm cao khiến con người không thể tỏa nhiệt qua mồ hôi, dễ gây tử vong. Các quốc gia ở Địa Trung Hải và Trung Đông đã quen với nắng nóng, nhưng các kịch bản trong tương lai sẽ khắc nghiệt hơn nhiều so với hiện nay.
- Nhật Bản trải qua mùa xuân ấm áp nhất trong lịch sử
- Biến đổi khí hậu có thể tạo ra siêu sóng thần
- Nước ở kênh Venice đột ngột chuyển sang màu xanh