Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu do con người gây ra (biến đổi khí hậu nhân tạo) đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết tự nhiên (mưa lớn, lũ lụt, v.v.), thúc đẩy các đợt nắng nóng thiêu đốt châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ và có thể khiến năm 2023 trở thành năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận.
Các chuyên gia đã giải thích lý do tại sao năm 2023 sẽ nóng như vậy, đồng thời cảnh báo những nhiệt độ kỷ lục này sẽ trở nên tồi tệ hơn ngay cả khi nhân loại cắt giảm mạnh lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu.
El Ninovà hơn thế nữa
Sau mùa hè nóng kỷ lục năm 2022, sang năm 2023, hiện tượng nóng lên ở Thái Bình Dương hay còn gọi là El Nino quay trở lại khiến các đại dương toàn cầu nóng lên.
Những đợt nắng nóng thiêu đốt châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, gây hạn hán và mất mùa ở nhiều nơi. Ảnh minh họa: Skynews.com.au
Robert Rohde thuộc nhóm theo dõi nhiệt độ Hoa Kỳ Berkeley Earth đã viết trong một phân tích: “Điều này có thể đã làm cho Bắc Đại Tây Dương ấm hơn. Hơn nữa, hiện tượng El Nino chỉ mới bắt đầu nên đây có thể chỉ là một phần nhỏ của hiệu ứng.”
Nhóm tính toán rằng có 81% khả năng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất kể từ khi các ghi chép nhiệt kế bắt đầu vào giữa thế kỷ 19.
Bụi và lưu huỳnh
Sự nóng lên của Đại Tây Dương cũng có thể tăng nhanh do sự cạn kiệt của hai chất thường phản chiếu ánh sáng mặt trời từ đại dương: Bụi thổi ra từ sa mạc Sahara và sol khí lưu huỳnh từ nhiên liệu vận chuyển.
Phân tích của Robert Rohde về nhiệt độ ở khu vực Bắc Đại Tây Dương ghi nhận “mức độ bụi đặc biệt thấp từ Sahara trong những tháng gần đây”.
Nắng nóng khiến bão mạnh hơn. Minh họa: Internet
Karsten Haustein thuộc Cơ quan Khí hậu Liên bang Đức cho biết, điều này là do gió mậu dịch Đại Tây Dương yếu bất thường.
Hệ thống xoáy ngược
Các đại dương nóng lên ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết trên đất liền, gây ra sóng nhiệt và hạn hán ở một số nơi và bão ở những nơi khác. Richard Allan, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Reading (Anh) cho biết, không khí nóng hơn hút hơi ẩm ở một nơi và thải ra ở một nơi khác.
Các nhà khoa học nêu bật độ dài và cường độ của các hệ thống xoáy nghịch dai dẳng mang theo sóng nhiệt.
Giáo sư Richard Allan cho biết: “Ở những nơi tồn tại áp suất cao trên các lục địa, không khí chìm xuống và nóng lên, làm tan các đám mây, khiến nắng hè gay gắt làm khô đất, làm nóng mặt đất và không khí bên trên”.
Ở châu Âu, “khí nóng đẩy vào từ châu Phi hiện đang được duy trì, với điều kiện áp suất cao ổn định có nghĩa là nhiệt ở các vùng biển ấm, đất liền và không khí tiếp tục tăng”, Hannah Cloke, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Reading (Anh) cho biết thêm.
Khí hậu thay đổi
Các nhà khoa học tại Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết trong báo cáo tóm tắt toàn cầu năm 2023 rằng biến đổi khí hậu đã khiến những đợt nắng nóng chết người “thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên hầu hết các vùng đất kể từ những năm 1950”.
Biến đổi khí hậu do con người gây ra (biến đổi khí hậu nhân tạo do phát thải khí nhà kính ồ ạt) làm gia tăng các hiện tượng thời tiết tự nhiên (mưa lớn, lũ lụt…). Minh họa: IEA
Robert Vautard, giám đốc viện khí hậu Pierre-Simon Laplace của Pháp, cho biết các đợt nắng nóng vào tháng 7/2023 “không phải là một hiện tượng đơn lẻ mà là kết quả của nhiều hiện tượng xảy ra cùng lúc. Nhưng tất cả đều được củng cố bởi một yếu tố: biến đổi khí hậu”.
Nhiệt độ toàn cầu cao hơn khiến các đợt nắng nóng kéo dài và dữ dội hơn. Biến đổi khí hậu là một biến số mà con người có thể tác động bằng cách giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.
Berkeley Earth cảnh báo El Nino hiện tại có thể khiến Trái đất nóng hơn nữa vào năm 2024. IPCC cho biết các đợt nắng nóng có nguy cơ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn, mặc dù các chính phủ có thể hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách giảm mạnh lượng khí thải nhà kính vào khí quyển.
“Đây mới chỉ là khởi đầu”, Simon Lewis, chủ tịch khoa khoa học về thay đổi toàn cầu tại Đại học College London (Anh) cho biết. “Việc cắt giảm sâu, nhanh chóng và bền vững lượng khí thải carbon xuống mức 0 ròng có thể ngăn chặn sự nóng lên, nhưng nhân loại sẽ phải thích nghi với những đợt nắng nóng thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong tương lai.”
Nguồn: Cảnh báo khoa học