Làm thêm bước này nữa, quả dứa nào cũng ngọt như mật, ăn bao nhiêu cũng không sợ bỏng lưỡi.
Mùa hè là thời điểm dứa chín rộ, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những trái dứa vàng ươm tỏa hương thơm ngào ngạt tại các sạp trái cây ven đường hay quầy trái cây tại các siêu thị.
Dứa giàu dinh dưỡng, vị chua ngọt kích thích vị giác nhưng có một nhược điểm nhỏ là ăn nhiều lưỡi sẽ có cảm giác tê và hơi khó chịu.
Tại sao ăn dứa bị đau lưỡi?
Hầu hết mọi người đều cho rằng “thủ phạm” khiến chúng ta bị bỏng lưỡi chính là lõi dứa mà không biết nguyên nhân lại đến từ chất bromelain . Đây là một loại enzym có khả năng thúc đẩy quá trình phân hủy protein và màng nhầy trong niêm mạc miệng. Điều này khiến chúng ta sau khi ăn dứa sẽ xuất hiện cảm giác bỏng rát ở lưỡi.
Bromelain được tìm thấy nhiều nhất trong lõi quả dứa. Ước tính lượng bromelain trong phần này nhiều gấp 20 lần so với thịt dứa. Đây là lý do tại sao khi ăn lõi dứa, lưỡi bạn sẽ bị bỏng rát hơn bình thường.
Ăn dứa như thế nào để không bị bỏng lưỡi?
Nguyên nhân gây bỏng lưỡi khi ăn dứa chính là chất bromelain nên cách khắc phục là vô hiệu hóa loại enzym này. Có 3 cách mà mọi người thường áp dụng đó là:
1. Ngâm nước muối
Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy một số người bán dứa sẽ ngâm trái cây trong lọ thủy tinh chứa đầy nước muối.
Vì bromelain rất sợ mặn nên nếu bạn ngâm dứa trong nước này sẽ làm bất hoạt một phần loại enzyme này. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngâm dứa trong nước muối cũng mang lại hiệu quả như mong muốn.
Đầu tiên, đúng là muối có khả năng vô hiệu hóa bromelain. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, nước muối sẽ không thể ngấm hoàn toàn vào bên trong thịt quả dứa. Đây là lý do bên ngoài quả dứa ngọt nhưng bên trong vẫn chua.
Không chỉ vậy, nếu bạn ngâm dứa quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến độ thơm ngon của loại quả này.
Thứ hai, nếu không dùng nước đun sôi để ngâm dứa, dụng cụ vệ sinh không sạch sẽ dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển.
2. Luộc dứa
Không phải ai cũng biết rằng ngoài sợ muối, bromelain còn rất sợ nhiệt độ cao. Dễ dàng nhận thấy, các món chế biến từ dứa dù ăn nhiều đến mấy cũng không bị bỏng lưỡi. Do đó, để khắc phục tình trạng này bạn hoàn toàn có thể làm chín nó.
Nhiệt độ sẽ vô hiệu hóa bromelain và ngăn vi khuẩn có hại xâm nhập nên bạn yên tâm ăn dứa.
3. Sử dụng baking soda
Ngoài cách trên, bạn cũng có thể ngâm dứa trong baking soda. Cho 1 thìa baking soda vào nước sôi để nguội khuấy đều cho tan hết. Lần lượt cho các miếng dứa đã thái vào ngâm khoảng 3-5 phút là có thể vớt ra ăn.
Cách ăn dứa ngọt như mật ong
Bước 1: Dứa gọt vỏ, cắt miếng nhỏ
Khi mua dứa về, bạn gọt sạch vỏ và mắt rồi cắt miếng lớn. Bạn có thể chia dứa thành 4 để thuận tiện cho các bước sơ chế sau.
Bước 2: Đun sôi nước muối
Bắc nồi nước lên bếp cho 1 thìa muối vào. Cứ 500ml nước bạn cho 20g muối. Tỷ lệ muối và nước rất quan trọng, ít quá sẽ không được, nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến mùi vị của dứa.
Bước 3: Luộc dứa
Cho dứa vào nồi nước pha chút muối, bật bếp đun đến khi nước sôi thì đợi khoảng 1 phút thì vớt dứa ra. Để dứa ráo nước, sau đó cắt miếng vừa ăn.
Bước 4: Thưởng thức
Luộc dứa sẽ giúp muối thấm vào bên trong nhanh hơn. So với ngâm dứa trong nước muối, cách làm này không chỉ sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh mà còn giúp dứa có vị ngọt hơn. Lưu ý, không nên luộc dứa quá lâu sẽ làm mất đi lượng vitamin có trong loại quả này.