Hội chứng PMS là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến với cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của chị em phụ nữ? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Chu kỳ kinh nguyệt chính là điều riêng biệt mà chị em phụ nữ phải trải qua hàng tháng. Và trước khi đến ngày chu kỳ kinh nguyệt xảy ra, các chị em phụ nữ thường phải trải qua những triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng về mặt tinh thần, cảm xúc, sinh hoạt hàng ngày do hội chứng PMS gây ra. Vậy hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) là gì? Cùng Thcshoanghiep.edu.vn tìm hiểu kỹ hơn về nó qua bài viết dưới đây nhé!
Hội chứng PMS là gì?
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS – Premenstrual Syndrome) là hội chứng mà người phụ nữ sẽ cảm thấy có sự thay đổi về mặt thể chất hoặc tâm trạng, hành vi khoảng 1 – 2 tuần trước khi bắt đầu chu kỳ kinh kinh nguyệt. Những triệu chứng như vậy sẽ xảy ra đều đặn hàng tháng và gây ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ.
Nguyên nhân của hội chứng PMS
Hiện nay, người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây ra Hội chứng PMS nhưng theo các nhà khoa học thì có 2 yếu tố chính góp phần dẫn đến sự xuất hiện của tình trạng này:
Sự thay đổi nồng độ của estrogen và progesterone trước kỳ kinh là một trong những nguyên nhân gây nên các dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Ngoài ra, việc thay đổi nồng độ estrogen còn gây ảnh hưởng đến những thay đổi về hóa chất trong não (serotonin). Serotonin là một chất trong não giúp điều chỉnh giấc ngủ, cảm xúc và sự thèm ăn nên khi lượng serotonin không đủ sẽ gây các triệu chứng như mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi.
Triệu chứng của PMS
Tuỳ vào mỗi người mà hội chứng PMS có những triệu chứng khác nhau từ nặng đến nhẹ. Có một số người sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng nào của PMS nhưng đối với những người khác thì các triệu chứng PMS có thể diễn ra nặng hơn gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Một số triệu chứng PMS về mặt tinh thần như:
- Hay cáu kỉnh, tức giận
- Tâm trạng luôn lo lắng, phiền muộn
- Mất ngủ
- Khó tập trung, hay quên
- Thay đổi ham muốn tình dục
- Xa lánh mọi người
- Dễ khóc, dễ xúc động
- Trầm cảm trước kỳ kinh nguyệt
Một số triệu chứng PMS về mặt thể chất như:
- Thay đổi khẩu vị (ví dụ thèm ăn một món nào đó)
- Đau đầu
- Đau nhức toàn thân
- Đau bụng tiền kinh nguyệt
- Xuất hiện các vấn đề về da (mụn,…)
- Căng tức vùng ngực
- Xuất hiện các triệu chứng về tiêu hoá
Hội chứng tiền kinh nguyệt kéo dài bao lâu?
Trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, hội chứng tiền kinh nguyệt (chẳng hạn như khó chịu về tinh thần hoặc thể chất) thường kéo dài trong 1 – 2 tuần. Và ngay khi kinh nguyệt đến, các triệu chứng này sẽ biến mất ngay.
Chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt
Chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt, bác sĩ cần xác định một số dấu hiệu ở bệnh nhân như sau:
– Trong vòng 5 ngày trước kì kinh nguyệt mới, triệu chứng này sẽ diễn ra. Và triệu chứng này sẽ lặp lại ít nhất trong ba kỳ kinh nguyệt kế tiếp.
– Trong khoảng 4 ngày kể từ khi kì kinh nguyệt mới bắt đầu, triệu chứng này sẽ kết thúc.
– Triệu chứng sẽ ảnh hưởng đến việc sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.
Tốt nhất, bạn nên ghi chú cụ thể lại thời gian xuất hiện triệu chứng trong 2-3 tháng gần nhất trước khi đến thăm khám. Bên cạnh đó, cũng cần ghi chú lại thời gian bắt đầu có biểu hiện này cũng như thời điểm bắt đầu chu kì kinh nguyệt.
Nguy cơ rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Ở một số người, khi các triệu chứng tiền kinh nguyệt xảy ra nghiêm trọng hơn bình thường, hoặc có thể gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng công việc, mối quan hệ cá nhân, có thể người đó đã bị hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.
Rối loạn tiền kinh nguyệt (viết tắt là PMDD – Premenstrual Dysphoric Disorder) thường chỉ xảy ra với một tỷ lệ rất nhỏ. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc có tác dụng điều trị trầm cảm.
Cách điều trị hội chứng PMS
Tuỳ vào tình trạng nặng hay nhẹ mà hội chứng PMS có những cách điều trị khác nhau. Nếu tình trạng nhẹ đến trung bình, bạn có thể áp dụng các biện pháp điều trị sau:
Ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng/ngày
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe con người và ngủ đủ giấc là một trong những yếu tố quan trọng giúp chống lại các cơn đau bụng tiền kinh nguyệt. Ngoài ra, ngủ đủ giấc còn giúp tinh thần bạn thoải mái, bớt căng thẳng và mệt mỏi.
- Những cách giúp ngủ ngon
Thư giãn và giải tỏa căng thẳng
Thư giãn để giảm căng thẳng là một phương pháp hữu ích khi bạn gặp phải hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt. Bạn có thể tập yoga, thiền hoặc các bài tập thở. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số liệu pháp massage đơn giản khác.
Sử dụng các loại thực phẩm bổ sung
Bổ sung 1.200 mg canxi mỗi ngày sẽ làm giảm đi phần nào các triệu chứng về thể chất và tinh thần gây ra bởi hội chứng tiền kinh nguyệt. Ngoài ra, magiê cũng là thành phần tốt cho cơ thể, giảm khả năng giữ nước (tình trạng phù), giảm đau bụng tiền kinh nguyệt và các triệu chứng liên quan đến tâm trạng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vitamin E cũng có tác dụng giúp giảm các triệu chứng của tiền kinh nguyệt.
Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ đối với hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều chưa được thử nghiệm hoặc chưa được chứng minh là có hiệu quả.
Lưu ý trước khi dùng bất kỳ sản phẩm hoặc thực phẩm bổ sung nào, nên trao đổi kỹ với bác sĩ về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Sử dụng các chất bổ sung quá liều lượng hoặc kết hợp với một số thuốc có thể dẫn đến các tác hại ngoài ý muốn.
Chú ý chế độ ăn
Việc thay đổi chế độ ăn uống cũng góp phần làm giảm các triệu chứng PMS như: Đa dạng hoá các loại thực phẩm giàu carbohydrate như bánh mì, mì ống, lúa mạch, hạt ngũ cốc.
Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như sữa chua, bơ sữa. Trong một nghiên cứu được thử nghiệm vào năm 2017 đã cho thấy rằng phụ nữ bổ sung 500 miligam mỗi ngày trong độ tuổi từ 18 – 24 sẽ giảm đáng kể các triệu chứng liên quan đến PMS. Ngoài ra, nên giảm lượng đường, muối và chất béo trong khẩu phần ăn và tránh sử dụng các đồ uống có cồn.
Tập thể dục thường xuyên
Vào thời điểm khi các triệu chứng PMS xuất hiện chị em nên bắt đầu tập các bài thể dục nhẹ nhàng như đạp xe, bơi lội, yoga,… sẽ giúp các cơ bắp được thư giãn, não tăng sản xuất chất endorphins giúp giảm các triệu chứng gây khó chịu, giảm đau và tăng cảm giác hưng phấn, vui vẻ.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2018 đã cho thấy nữ giới tập thể dục nhịp điệu mỗi ngày trong độ tuổi từ 18 – 24 giúp cải thiện các triệu chứng về PMS.
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Các loại thuốc ngăn ngừa sự rụng trứng như thuốc tránh thai nội tiết tố có thể giúp giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến thể chất. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng không phải loại thuốc nào cũng sẽ giúp ổn định tâm trạng của chị em phụ nữ.
Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm cũng có thể giúp điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt bằng cách giảm bớt các triệu chứng liên quan đến tinh thần. Bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc này trong 2 tuần trước khi xuất hiện các dấu hiệu tiền kinh nguyệt xuất hiện, hoặc trong cả kì kinh. Tùy vào tình trạng của mỗi người mà loại thuốc bác sĩ kê đơn sẽ khác nhau.
Bài viết vừa chia sẻ cho bạn những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị các triệu chứng của hội chứng PMS. Hy vọng sau bài viết bạn đã có thêm nhiều thông tin hữu ích để chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn.
>> 3 mách nhỏ về ăn uống cho người tập thể dục
>> Những thực phẩm không nên ăn trong ‘ngày đèn đỏ’
Kinh nghiệm hay Thcshoanghiep.edu.vn