Hội đồng giảm thiểu rủi ro và quản lý thảm họa quốc gia Philippines đã ghi nhận ít nhất 10 căn bệnh ảnh hưởng đến những người sơ tán từ 2 đến 64 tuổi, bao gồm ho, cảm lạnh, sốt, viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và bệnh ngoài da.
Theo cơ quan này, gần 39.000 người đã bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào núi lửa Mayon bắt đầu từ ngày 8/6.
Cùng ngày, Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines đã chụp được hình ảnh dòng dung nham từ vòm dung nham phun trào. Trong khi đó, những cột khói chứa đầy hơi nước bốc cao tới 600 mét và cơ quan này duy trì mức báo động của núi lửa ở cấp 3 trên thang cảnh báo 5 cấp.
Chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 20.000 dân làng sống trong khu vực nguy hiểm xung quanh núi lửa Mayon ở tỉnh Albay, cách thủ đô Manila khoảng 500 km về phía đông nam. Toàn tỉnh đã thành lập 28 điểm tiếp nhận người sơ tán, chủ yếu tại các trường học.
(Ảnh: AP)
Trước đó, ngày 10/6, núi lửa Mayon ở tỉnh Albay, miền trung Philippines phun tro bụi và tạo ra mưa đá nóng, buộc hàng nghìn người dân trong khu vực phải sơ tán. Các nhà địa chấn học cho biết họ đã ghi nhận ít nhất một trận động đất núi lửa trong vòng 24 giờ và chứng kiến rất nhiều tảng đá nóng đỏ rơi xuống từ núi Mayon.
Hơn 12.800 người đã được sơ tán đến nơi trú ẩn, hầu hết từ các làng nông nghiệp gần núi.
Bộ trưởng Y tế Philippines Teodoro Herbosa cho biết tại một cuộc họp báo: “Có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi hít phải sulfur dioxide ( SO2 ) và các hạt bụi tro gần núi lửa”.
Mayon là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Philippines. Trong đợt phun trào tháng 1 năm 2018, hơn 23.000 người ở Philippines đã phải sơ tán.
Theo Viện Núi lửa và Địa chấn Philippines, đá nóng liên tục bị đẩy ra khỏi miệng núi lửa, tràn vào những khu vực cách đó tới 2 km và lượng khí sulfur dioxide đã tăng gấp 3 vào ngày 10/6.
Nhà chức trách Philippines đã nâng cảnh báo từ cấp 2 lên 3 trong thang cảnh báo 5 cấp. Các chuyên gia lưu ý rằng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp là rất lớn khi mọi người hít phải khói hoặc tro núi lửa.