Dấu tích hóa thạch của một loài bò sát bay được coi là “họ hàng gần” với khủng long được phát hiện trên một bãi biển trên đảo Skye của Scotland, Vương quốc Anh. Không những vậy, loài bò sát biết bay này còn được cho là đã từng lang thang trên Trái Đất từ hàng chục triệu năm trước.
Hình ảnh tái tạo của loài thằn lằn bay Ceoptera evansae. (Ảnh: internet).
Trong thông báo đưa ra hôm 6/2, các nhà khoa học cho biết hóa thạch bao gồm các bộ phận ở vai, cánh, chân và cột sống được phát hiện một phần trên một tảng đá lớn trên đảo Skye. Theo các nhà khoa học, bộ xương không hoàn chỉnh này thuộc về một loài thằn lằn bay cổ đại , sống cách đây hơn 160 triệu năm. Việc phát hiện ra hóa thạch cung cấp cái nhìn sâu sắc mới về sự đa dạng và lịch sử tiến hóa của loài này vì rất hiếm khi tìm thấy hóa thạch của loài thằn lằn bay vào thời kỳ giữa kỷ Jura.
Các nhà khoa học đã đặt tên loài thằn lằn này là “Ceoptera evansae” với “Cheò” tiếng Gaelic Scotland có nghĩa là sương mù và “-ptera” , từ tiếng Hy Lạp gắn liền với động vật có cánh. Trong khi đó, “Evansae” là lời tri ân dành cho Giáo sư Susan E. Evans vì nhiều năm nghiên cứu hóa thạch của bà trên Đảo Skye.
Nhà cổ sinh vật học người Anh Paul Barrett cho rằng sự xuất hiện của Ceoptera evansae vào thời kỳ giữa kỷ Jura ở Anh là điều đáng ngạc nhiên vì hầu hết họ hàng gần của loài này đều được phát hiện ở Trung Quốc. Tiến sĩ Liz Martin-Silverstone, một nhà cổ sinh vật học từ Đại học Bristol, cho biết phát hiện này đưa con người tiến một bước gần hơn đến việc hiểu được những loài thằn lằn tiến hóa hơn ở đâu và khi nào.
- “Quái vật” đáng sợ nhất lịch sử, khủng long bạo chúa cũng trở thành bữa ăn của chúng
- Phát hiện loài thằn lằn bay khổng lồ mới
- Phát hiện loài thằn lằn bay lớn nhất Australia, sải cánh dài tới 7m
Cập nhật: Ngày 09/02/2024 TIN TỨC/Báo Tin tức