Nằm trên đỉnh Altiplano ở Andes, ở độ cao 3.812 mét so với mực nước biển, Titicaca là hồ trên núi cao nhất thế giới. Đây cũng là hồ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ với diện tích lên tới 8.300 km2. Titicaca cũng là một trong số chưa đầy 20 hồ cổ nhất thế giới, với hàng triệu năm tuổi.
Điểm thu hút du khách khi đến với hồ nước này là những hòn đảo nổi làm từ lau sậy của người Uros – bộ tộc tiền Inca sinh sống trên hồ.
Người Uros bao gồm ba nhóm người chính: Uru-Chipayas, Uru-Muratos và Uru-Iruito. Theo truyền thuyết, người Uros là những người “máu đen” vì họ không cảm thấy lạnh. Họ tự gọi mình là “Lupihaques” (Con của Thần Mặt trời).
Lịch sử của những hòn đảo này bắt nguồn từ mong muốn của người Uros để tránh những cuộc chiến tranh liên miên và những khó khăn của cuộc sống trên đất liền. Vì vậy, mặt hồ Titicaca trở thành nơi sinh sống của nhóm người này.
Không sử dụng cát hay đá, người Uros đã tạo ra những hòn đảo nhân tạo của họ bằng những cây sậy gọi là totoras, mọc tự nhiên ở vùng nước nông của hồ. Loại cây này khi bị phân hủy sẽ sinh ra khí, nhưng không thể thoát ra ngoài và dần dần những chiếc rễ chứa khí này tập trung lại tạo thành đảo nổi. Theo thời gian, dân làng còn đan sậy vào rễ cây để làm dày và chắc bề mặt đảo.
Khi hòn đảo đã vững chắc, người Uros xây dựng những ngôi nhà tạm thời từ chính cây sậy này vì nó không thấm nước và giữ ấm. Người dân ở đây thường phải đan đệm 2 tuần một lần để có thể chống chọi với sóng biển. Nếu được bảo dưỡng đúng cách, những hòn đảo lau sậy này có thể tồn tại tới 30 năm.
Thông thường, đảo lớn sẽ có khoảng 10 gia đình sinh sống, còn đảo nhỏ diện tích khoảng 30m2 sẽ có khoảng 2-3 gia đình. Điều đặc biệt của những hòn đảo này là chúng có thể di chuyển như một chiếc thuyền. Chỉ cần thả neo và nhờ gió, toàn bộ hòn đảo sẽ di chuyển ra giữa hồ Titicaca.
Giờ đây, những đảo lau sậy trên hồ Titicaca không trôi tự do quanh hồ mà được buộc vào đất hồ bằng những khúc gỗ lớn. Không phải nơi nào trên thế giới cũng dám chọn sinh sống và xây nhà trên những chiếc “bè nổi” giữa mênh mông sóng nước. Nhưng người Uros đã sống ở đây hàng thế kỷ, thế hệ này qua thế hệ khác.
Cuộc sống biệt lập trên đảo nổi
Người Uros sống biệt lập, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên họ có những quy tắc riêng đối với cư dân trên đảo. Dù tiếng Tây Ban Nha đã trở thành quốc ngữ ở Peru nhưng người dân nơi đây vẫn sử dụng tiếng Quechua – ngôn ngữ cổ của người Inca.
Người dân trên đảo sống tự cung tự cấp là chủ yếu. Họ bắt cá để ăn và bán vào đất liền, săn chim, nuôi vịt và chuột lang.
Nổi trên mặt hồ nhưng người Uros cũng có trường học, nhà thờ được dựng bằng lau sậy. Cư dân ở đây đã sử dụng các tấm pin mặt trời trên những ngôi nhà lau sậy của họ để xem TV và sử dụng các thiết bị điện khác. Ngoài ra, máy phát điện chạy bằng gas được sử dụng để phát điện thắp sáng vào ban đêm nhưng cũng rất hạn chế vì giá thành đắt đỏ. Thay vào đó, người dân Uros sử dụng nhiều nến và đèn nháy hơn.
Trong những năm gần đây, du lịch đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Uros. Họ cũng dần chuyển sang kiếm sống bằng nghề phục vụ du khách và bán đồ lưu niệm.
Cách họ làm du lịch rất bài bản. Người dân ở đây thường giới thiệu với du khách những ngôi nhà đầy màu sắc, đồ thủ công mỹ nghệ và hát những giai điệu dân ca của họ. Du khách cũng được chở đến đây bằng những chiếc thuyền làm bằng sậy mà người Uro gọi là “Balsa de Totora”.
Cuộc sống trên đảo nổi ngày càng khó khăn, khắc nghiệt. Nhiều người vẫn chọn cách sống truyền thống, xây lại đảo, ra hồ câu cá, nhưng nhiều bạn trẻ đang chọn rời bỏ và bắt đầu cuộc sống mới trên đất liền.