Mở bài Viếng lăng Bác mang tới 44 mẫu mở bài trực tiếp, gián tiếp hay nhất, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều tư liệu tham khảo, tạo nguồn cảm hứng để dẫn dắt vào bài văn phân tích, cảm nhận Viếng lăng Bác, cảm nhận khổ thơ đầu Viếng lăng Bác… thật hay.
Với 44 mở bài Viếng lăng Bác ngắn gọn, còn có cả những mẫu mở bài chuyên sâu, giúp các em ôn thi vào 10 năm 2023 – 2024 hiệu quả. Chi tiết mời các em cùng theo dõi 44 mở bài Viếng lăng Bác dưới đây để có thêm nhiều ý tưởng mới, cũng như biết cách diễn đạt thật hay cho bài văn của mình.
Tổng hợp mở bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương
- Mở bài chuyên sâu bài thơ Viếng lăng Bác (4 mẫu)
- Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương (10 mẫu)
- Mở bài cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác (7 mẫu)
- Mở bài Phân tích khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác (3 mẫu)
- Mở bài cảm nhận khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác (2 mẫu)
- Mở bài phân tích khổ hai bài thơ Viếng lăng Bác (3 mẫu)
- Mở bài phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác (3 mẫu)
- Mở bài cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Viếng lăng Bác (5 mẫu)
- Mở bài phân tích hai khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác (3 mẫu)
- Mở bài phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác (4 mẫu)
Mở bài chuyên sâu bài thơ Viếng lăng Bác
Mở bài 1
“Bác đã đi rồi sao Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời”
(Tố Hữu)
Có thể nói sự ra đi của vị lãnh tụ vĩ đại là một mất mát lớn đối với tất cả nhân dân Việt Nam. Có không ít những lời thơ thể hiện niềm thương xót xúc động trước sự ra đi của Bác. Tuy một năm sau ngày đất nước ta hoàn toàn thống nhất Viễn Phương mới có cơ hội ra thăm lăng Bác nhưng ông cũng không kìm nén được dòng cảm xúc của mình. Sự xót xa, thương nhớ ấy được tác giả bộc lộ qua bài thơ “Viếng lăng Bác”.
Mở bài 2
Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ dân tộc, con người vĩ đại nhất trong trái tim mỗi người Việt Nam. Hào quang về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người cũng là nguồn cảm hứng bất tận để các nhà thơ, nhà văn “chấp bút” để viết lên những ca từ thật đẹp đẽ, thật xúc động. Chúng ta đã bắt gặp rất nhiều những áng thơ văn hay viết về Bác, đó là “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, là “Bác ơi” của Tố Hữu và ta cũng từng bồi hồi, xúc động khôn xiết trước cuộc viếng thăm đầy cảm xúc của nhà thơ người Nam Bộ Viễn Phương trong bài “Viếng lăng Bác”. Bài thơ là những cảm xúc chân thành mà tha thiết của một người con miền Nam lần đầu được ra thăm lăng Bác sau ngày Bác đi xa.
Mở bài 3
Viễn Phương là cây bút tiêu biểu có nhiều đóng góp cho nền văn học miền Nam hiện đại. Trong chiến tranh ông hướng ngòi bút của mình về cuộc chiến tranh, lên án sự bạo tàn của thế lực ngoại xâm, ca ngợi những người mẹ, người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Sau giải phóng thơ ông tập trung bút lực vào cuộc sống, con người với những vần thơ giản dị mà tha thiết. Một trong những sáng tác nổi bật nhất làm nên tên tuổi của Viễn Phương trên văn đàn Việt Nam là “Viếng lăng Bác”, bài thơ được sáng tác năm 1976, trong nỗi xúc động khi được lần đầu ra thăm lăng Bác, nhà thơ đã thể hiện tình cảm kính yêu, sự biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như hàng triệu con người Việt Nam đối với chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mở bài 4
Bác đi xa là sự mất mát lớn của cả dân tộc, con người Việt Nam. Đã có rất nhiều tác phẩm thơ văn viết về Bác, về sự nghiệp cách mạng sáng ngời của Người, “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác – vị cha già dân tộc. Bằng ngôn từ bình dị mà chứa chan cảm xúc, Viễn Phương đã thể hiện đầy tinh tế, xúc động nỗi lòng của người con miền Nam khi lần đầu được ra thăm lăng Bác, niềm kính yêu, trân trọng trước công lao trời bể, xót xa trước sự ra đi của Bác của Viễn Phương cũng chính là những tình cảm chung của hàng triệu con người Việt Nam.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Viễn Phương là cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ. Đề tài trong thơ ông viết về vị lãnh tụ vĩ đại. Bài thơ “ Viếng lăng Bác” được sáng tác năm 1976 khi đất nước thống nhất, lăng Bác được khánh thành và tác giả được vào thăm lăng Bác. Bài thơ là cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng bác, khi vào trong lăng Bác và những cảm xúc dâng trào cùng những ước nguyện khi ra về.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước ta. Người ra đi năm 1969, để lại biết bao nỗi thương nhớ và xót xa cho Tổ quốc. Có nhiều nhà thơ đã viết bài thơ tưởng nhớ về Bác và “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một trong những bài thơ xuất sắc nhất. Chúng ta hãy cùng đến với bài thơ để cảm nhận được cảm xúc ấy.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 3
Bác Hồ luôn là đề tài muôn thuở trong thơ ca của Việt Nam. Người là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhà văn thể hiện tài năng trong các tác phẩm của mình. Có thể nói, Bác chính là hình ảnh đẹp nhất, ngời sáng nhất trong thơ ca Việt Nam. Không ít tác phẩm viết về Người, viết về những cuộc viếng thăm, gặp gỡ Người, nhưng có lẽ, cảm xúc nhất trong những tác phẩm đó là “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương. Bài thơ là nỗi niềm của một người con ở tận miền Nam xa xôi được trở ra thăm Bác sau ngày Bác đi xa.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 4
Nhắc đến nhà thơ Viễn Phương là nhắc đến một thi sĩ với hồn thơ nhẹ nhàng, man mác, bâng khuâng. Thơ ông lay động lòng người bởi sự tinh tế trong cách diễn đạt cảm xúc, hình ảnh thơ giản dị mà sâu sắc. Bài thơ Viếng lăng Bác là một bài thơ như thế, bằng tình cảm chân thành bình dị của một người con miền Nam, Viễn Phương đã viết nên những vần thơ thiết tha bày tỏ niềm thành kính và nỗi xúc động khi được ra thăm lăng Bác.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 5
Trong thơ ca ca ngợi về chủ tịch Hồ Chí Minh thì có rất nhiều những tác phẩm thơ hay và đặc sắc. Thế nhưng không phải bài thơ viết về Bác nào cũng có thể nói được những xúc cảm đến nghẹn ngào như trong bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 6
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử thân yêu nhất của dân tộc Việt Nam. Người để lại hình ảnh một người Cha già hiền từ, một tên gọi Bác thân thiết, người hiện thân cho những gì cao đẹp và mạnh mẽ của dân tộc. Lăng Bác trở thành nơi lưu giữ bóng dáng Bác lúc sinh thời, nơi chiêm ngưỡng thành kính của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 7
Mỗi tác giả đều có những xúc cảm riêng khi viết về Hồ Chí Minh: là xót xa, nuối tiếc, tự hào, ngưỡng mộ cho một đời người vì dân, vì nước. Nhà thơ Viễn Phương lần đầu tiên từ miền Nam ra thăm lăng Bác cũng đã giật mình nhận ra có những thay đổi trong chính cảm xúc của mình khi nhìn thấy Bác đang ngủ yên lành. Bài thơ “Viếng lăng Bác” là lòng thành kính, ngưỡng mộ, biết ơn của nhà thơ dành cho vị lãnh tụ vĩ đại.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 8
Trong những bài thơ viết về Bác sau ngày Bác đi xa, “Viếng lăng Bác”của Viễn Phương là một bài thơ đặc sắc. Bài thơ diễn tả niềm kính yêu, sự xót xa và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với vị lãnh tụ bằng cảm xúc chân thành, thiết tha, sâu lắng.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 9
Nhà thơ Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng Văn nghệ giải phóng miền Nam trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Năm 1976, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội cũng vừa được khánh thành. Viễn Phương nhân dịp này ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác Hồ. Ông đã sáng tác bài thơ “Viếng lăng Bác” để bộc lộ lòng thành kính, biết ơn với chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Mở bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 10
Đến với bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương, người đọc sẽ thấy được tình cảm thành kính, yêu thương nhưng cũng đầy xót xa đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Mở bài cảm nhận của em về bài thơ Viếng lăng Bác
Mở bài cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Mỗi tác giả đều có những xúc cảm riêng khi viết về Hồ Chí Minh, là xót xa, nuối tiếc, tự hào, ngưỡng mộ cho một đời người vì dân, vì nước. Nhà thơ Viễn Phương lần đầu tiên từ miền Nam ra thăm lăng Bác cũng đã giật mình nhận ra có những thay đổi trong chính cảm xúc của mình khi nhìn thấy Bác đang ngủ yên lành. Bài thơ “Viếng lăng Bác” là lòng thành kính, ngưỡng mộ, biết ơn của nhà thơ dành cho vị lãnh tụ vĩ đại.
Mở bài cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Bác Hồ từ lâu đã trở thành bao nguồn của hứng cho các thi sĩ sáng tác thơ ca. Lúc sinh thời Bác luôn nghĩ đến Miền Nam, ngày đêm thương nhớ miền Nam.Với Bác miền Nam là niềm vui, niềm hạnh phúc, là nỗi đau không lúc nào nguôi. “Miền nam trong trái tim tôi” niềm mong mỏi thiết tha của Bác là miền nam mau được giải phóng. Miền nam của ngày đêm thương nhớ Bác. Bằng cảm xúc chân thực, bằng ngôn ngữ gợi cảm, hình ảnh quen thuộc giàu chất tạo hình Viễn Phương đã thể hiện tấm lòng mình qua bài thơ: “Viếng Lăng Bác”.
Mở bài cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 3
“Miền Nam mong Bác nỗi mong cha” – câu thơ này đã thể hiện tình cảm rất chân thành của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như bao người dân miền Nam khi vào thăm lăng Bác. Nhà thơ Viễn Phương đã thế hiện tấm lòng kính yêu tha thiết của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài thơ Viếng lăng Bác. Tình cảm nhà thơ thể hiện trong bài theo em không chỉ là của riêng tác giả mà đó còn là tình cảm chung của tất cả nhân dân miền Nam đối với Bác.
Mở bài cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 4
Trong chương trình ngữ văn lớp 9, bài thơ khiến em cảm thấy ấn tượng và dành nhiều tình cảm nhất đó là bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương. Nhà thơ Viễn Phương có tên thật là Phan Thanh Viễn, ông sinh năm 1928 tại An Giang. Ông là nhà thơ với nhiều sáng tác ấn tượng và đi vào lòng bạn đọc. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được ông viết năm 1976, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông có dịp ra Hà Nội, đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ được in trong tập “Như mấy mùa xuân”. Bài thơ ca ngợi công ơn của Bác Hồ đồng thời thể hiện lòng thương tiếc, kính yêu và biết ơn trước Bác – niềm kính yêu vô bờ.
Mở bài cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 5
Viết về Bác luôn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Riêng trong thơ, ta đã cảm nhận được ở Tố Hữu, Minh Huệ… và lần này thì ở Viễn Phương. Thơ Viễn Phương có một phong cách độc đáo: vừa giàu chất liệu tâm trạng vừa giàu chất suy tưởng, vừa hiện thực vừa trữ tình, vừa hồn nhiên vừa mơ mộng… nghĩa là những cung bậc khác nhau, pha trộn vào nhau. Sự đa dạng này phản ánh tính phong phú của đối tượng được tái hiện ở trong thơ. Hồ Chí Minh vừa lớn lao vừa bình dị biết nhường nào. Vì thế, nhà thơ dường như không thể nào làm khác. Mạch cảm hứng toàn bài dựa trên trục thời gian hình thành một thứ nhật ký, một cuộc viếng thăm cũng là một cuộc hành hương về nơi cội nguồn.
Mở bài cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 6
Viễn Phương tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, quê ở tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, ông hoạt động ở Nam Bộ, là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được nhà thơ sáng tác năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra thắng lợi, đất nước thống nhất và lăng chủ tịch Hồ Chí Minh vừa khánh thành. Bài thơ thể hiện lòng kính yêu và cả sự xót đau vô hạn của Viễn Phương và cả của nhân dân miền Nam đối với Bác kính yêu.
Mở bài cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 7
Trong những ngày đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam sắp đến thắng lợi hoàn toàn, nhà thơ Viễn Phương được ra Bắc viếng lăng Bác. Trước khi chia tay, nhà thơ đã để lại một bài thơ bày tỏ niềm cảm xúc sâu xa, tình yêu thương vô hạn và lòng cảm phục, tôn kính của mình đối với Bác Hồ vĩ đại – người từng lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khá.
Mở bài Phân tích khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác
Mở bài Phân tích khổ 1 Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương đặc biệt đối với đồng bào đồng chí miền Nam. Đồng bào miền Nam cũng từng ngày từng giờ nhớ thương mong ngóng Bác. Thế nhưng ngày 2/9/1969 Bác đã vĩnh viễn đi xa để lại cho đồng bào cả nước đặc biệt là đồng bào miền Nam một nỗi đau dài vô hạn. Năm 1976 Viễn Phương bùi ngùi cùng với đoàn đại biểu từ miền Nam ra thăm lăng Bác. Tình cả dồn nén xúc động khiến nhà thơ cho ra đời bài thơ Viếng lăng Bác. Bài thơ mở đầu đầy ấn tượng
Mở bài Phân tích khổ 1 Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Khi nhắc đến hai tiếng Bác Hồ, mỗi người dân Việt Nam chúng ta luôn cảm thấy thân thương và gần gũi hơn bao giờ hết. Vẻ đẹp của một vị lãnh tụ hết lòng vì dân vì nước, một trái tim tràn ngập yêu thương và bản lĩnh phi thường ấy đã trở thành cảm hứng để các nhà thơ sáng tạo nên những tác phẩm song hành cùng thời gian. Viếng lăng Bác của Viễn Phương là bài thơ như thế, đặc biệt khổ thơ đầu của văn bản đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ và liên tưởng sâu xa
Mở bài Phân tích khổ 1 Viếng lăng Bác – Mẫu 3
Khổ thơ đầu là những cảm xúc của nhà thơ khi đã đến lăng Bác, đứng trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng. Câu thơ đầu “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” như một thông báo giản dị mà chứa đựng bao tình cảm thân thương. Tác giả xưng “con ” gọi “Bác” thể hiện tình cảm vừa gần gũi vừa thành kính. Đây là cách xưng hô thường thấy với Bác, nhưng với Viễn Phương, nó vẫn mang sắc thái tình cảm riêng, bởi ông là người con của miền Nam, miền Nam anh dũng chiến đấu, miền Nam trong trái tim Bác. Nhà thơ không nói ra “viếng” mà là ra “thăm”, như con về thăm cha, thăm nơi Bác nghỉ. Nỗi đau như cố giấu mà giọng thơ vẫn có gì ngậm ngùi.
Mở bài cảm nhận khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác
Mở bài cảm nhận khổ thơ đầu Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Ở khổ 1 bài thơ Viếng lăng Bác, tác giả giới thiệu hoàn cảnh Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, đồng thời bộc lộ tâm trạng dồn nén, xúc động, bởi đây là cuộc viếng thăm thiêng liêng, đầy ý nghĩa với cách xưng hô “Con – Bác”. Hình ảnh đầu tiên nhà thơ chú ý là hàng tre thân thuộc, kiên cường, bền bỉ, biểu trưng cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam
Mở bài cảm nhận khổ thơ đầu Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Bài thơ Viếng lăng Bác mở đầu bằng câu thơ bộc bạch hoàn cảnh ra viếng lăng Bác của một người con miền Nam “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Cách xưng hô “con-Bác” cho thấy sự gần gũi và kính trọng như của một người con đối với một người cha vĩ đại. Cách xưng hô này làm em liên tưởng đến những dòng thơ.
Mở bài phân tích khổ hai bài thơ Viếng lăng Bác
Mở bài phân tích khổ 2 bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Sinh thời Bác vẫn luôn nhớ tới miền Nam, ngày đêm thương nhớ nơi đây, Bác xem miền Nam là niềm vui, niềm hạnh phúc, cũng là nỗi đau mà không lúc nào nguôi, miền Nam luôn ở trong trái tim Bác. Niềm thiết tha mong mỏi của Bác là miền Nam nhanh được giải phóng, đất nước 2 miền sum họp để người có dịp được vào thăm miền Nam. Và miền Nam cũng thế, ngày đêm mong thương nhớ và mong Bác, muốn được gặp Bác.
Mở bài phân tích khổ 2 bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Có muôn ngàn lời thơ đã viết về Bác Hồ kính yêu với tấm lòng thành kính và yêu thương vô hạn. Những vần thơ của Viễn Phương cũng vậy, thơ ông dung dị và cảm xúc sâu lắng. Đặc biệt, ở khổ thứ hai bài thơ Viếng lăng Bác làm chúng ta lắng đọng với những vẫn thơ mộc mạc.
Mở bài phân tích khổ 2 bài thơ Viếng lăng Bác – Mẫu 3
Viễn Phương là nhà thơ gắn bó với cuộc sống chiến đấu của bà con quê hương trong hai cuộc kháng chiến Pháp và chống Mỹ. Thơ ông dung dị, cảm xúc sâu lắng. Ông có nhiều bài thơ đặc sắc, trong đó “Viếng lăng Bác” là bài thơ tiêu biểu. Đọc bài thơ, ta thấy lắng đọng nhất trong những dòng thơ:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy chín mùa xuân”
Mở bài phân tích khổ 3 bài thơ Viếng lăng Bác
Mở bài phân tích khổ 3 bài Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Viếng lăng Bác là bài thơ kết tinh trọn vẹn cảm xúc của Viễn Phương khi ở miền Nam lần đầu được ra Hà Nội và vào lăng viếng Bác. Nếu hai khổ thơ đầu miêu tả dòng cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác và khi hòa vào cùng dòng người vào lăng thì khổ thơ thứ ba lại thể hiện nỗi niềm xúc động thiêng liêng của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác.
Mở bài phân tích khổ 3 bài Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Khổ thơ thứ ba là những cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng, đứng trước di hài Bác. Bao tình cảm ấp ủ bấy lâu, nên khi bắt gặp bóng dáng thân yêu của Bác là trào dâng thổn thức. Hình ảnh Bác nằm trong lăng được diễn tả rất xúc động qua hai câu thơ:
Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Mở bài phân tích khổ 3 bài Viếng lăng Bác – Mẫu 3
Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già đáng kính của cả dân tộc Việt Nam. Vì thế, sự ra đi của Bác là một sự mất mát to lớn của toàn thể dân tộc. Đã có rất nhiều vần thơ thể hiện lòng nhớ thương của những người con Việt Nam đối với Bác. Tuy là một bài thơ ra đời khá muộn, nhưng “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương vẫn để lại trong lòng người đọc những cảm xúc sâu lắng, bởi đó là tình cảm của một người con miền Nam lần đầu được gặp Bác. Toàn bài thơ là một lời tâm sự thiết tha, là nỗi lòng thành kính và tha thiết của một người con miền Nam đối với Bác Hồ. Nhà thơ thể hiện tình cảm thiết tha của một người con miền Nam rõ rệt nhất ở trong khổ 3.
Mở bài cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Viếng lăng Bác
Mở bài cảm nhận khổ 2 và 3 Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Mang trong lòng những cảm xúc thiêng liêng, thành kính, nhà thơ Viễn Phương ở miền Nam xa xôi ra thăm lăng Bác vào tháng 4 năm 1976. Sau chuyến đi đó, tác phẩm “Viếng lăng Bác” ra đời, thể hiện tấm lòng thành kính và niềm xúc động khôn nguôi của nhà thơ khi được thăm viếng Bác Hồ. Hai khổ thơ 2 và 3 của bài thơ đã diễn tả những cảm xúc chân thành của nhà thơ khi được hoà mình vào dòng người tiến vào lăng viếng Bác.
Mở bài cảm nhận khổ 2 và 3 Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Nhà thơ Viễn Phương viết Viếng Lăng Bác năm 1976, ngay sau khi đất nước thống nhất, nhà thơ được ra thăm lăng Bác. Bao trùm lên bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, niềm tự hào, đau xót của nhà thơ đối với Bác. Dòng cảm xúc chân thành, niềm vui chất chứa cùng tấm lòng mến yêu tha thiết, nhà thơ bày tỏ niềm tự hào lớn lao đối với lãnh tụ vĩ đại, vị cha già của dân tộc. Khổ thơ 2 và 3 thể hiện sâu sắc cảm xúc ấy.
Mở bài cảm nhận khổ 2 và 3 Viếng lăng Bác – Mẫu 3
Viếng lăng Bác bài thơ của người con miền Nam lần đầu được thăm lăng Bác để lại những xúc động, tự hào. Trong đó khổ thơ thứ 2, 3 để lại ấn tượng sâu đậm nhất cho nhiều người đọc.
Mở bài cảm nhận khổ 2 và 3 Viếng lăng Bác – Mẫu 4
Vào ngày mùng 2/9/1969, người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Hồ Chí Minh đã ra đi cùng với thế giới người hiền, nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt đồng bào nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế viết lên những vần thơ thể hiện niềm kính yêu, tiếc thương vô hạn trước sự kiện lịch sử trọng đại này. Bảy năm sau ngày mất của Bác, cảm xúc ấy vẫn còn vẹn nguyên trong lòng Viễn Phương – người con của miền Nam trong một dịp ra thăm miền Bắc vào lăng viếng Bác. Điều đó đã được nhà thơ ghi lại trong bài thơ “Viếng lăng Bác” (1976) với một ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, tinh tế, giàu cảm xúc thể hiện niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Bài thơ là nỗi lòng của người con miền Nam lần đầu được ra thăm Bác, bồi hồi, xúc động. Tất cả được thể hiện rõ nét nhất ở khổ thơ thứ 2 và 3 của bài thơ.
Mở bài cảm nhận khổ 2 và 3 Viếng lăng Bác – Mẫu 5
Với nhiều người con miền Nam, không được gặp Bác lần cuối trước khi người đi xa là niềm tiếc nuối lớn nhất trong cuộc đời họ. Viễn Phương chính là một người con như thế. Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa được khánh thành, ông đã ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác Hồ. Trong giây phút nghẹn ngào ấy, ông đã viết bài thơ Viếng lăng Bác như một lời tri ân gửi tới người cha già dân tộc. Và hẳn nhiên, nỗi đau đớn cũng được hiện hình trong từng dòng thơ của Viễn Phương.
Mở bài phân tích hai khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác
Mở bài phân tích 2 khổ cuối bài Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thơ Viễn Phương bình dị, đằm thắm mang đậm tính cách Nam Bộ. Tuy đến sau trong đề tài thơ về Bác do điều kiện, hoàn cảnh: là người con miền Nam, cầm súng ở ngoài tiền tuyến… nhà thơ Viễn Phương đã để lại bài thơ “Viếng lăng Bác” độc đáo, có sức cảm hóa sâu sắc bởi tình ý đẹp, bởi lời hay. Đặc biệt ở hai thơ cuối thể hiện sâu sắc và cảm động tinh thần kính yêu lãnh tụ và ý nguyện muốn được dâng hiến đời mình bồi đắp thêm cho vẻ đẹp của đất nước.
Mở bài phân tích 2 khổ cuối bài Viếng lăng Bác – Mẫu 2
“Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một bài văn xuất sắc được sáng tác vào năm 1976, bài thơ mang đậm chất trữ tình ghi lại tình cảm thành kính, sâu lắng của nhà thơ khi hòa vào dòng người đang vào viếng lăng Bác. Qua đó bài thơ được xem là tiếng nói nỗi niềm tâm sự của nhân dân dành cho Bác. Đặc biệt, những tình cảm ấy lại chan chứa và dạt vào ở hai khổ thơ cuối.
Mở bài phân tích 2 khổ cuối bài Viếng lăng Bác – Mẫu 3
Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, tác giả Viễn Phương có dịp ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bằng giọng điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc, bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác. Hai khổ thơ cuối thể hiện sâu sắc tình cảm ấy của nhà thơ.
Mở bài phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác
Mở bài phân tích khổ cuối Viếng lăng Bác – Mẫu 1
Khổ cuối (khổ thơ thứ tư) là cảm xúc của nhà thơ khi ra về. Nhà thơ lưu luyến muốn được ở mãi bên lăng Bác. Lòng nhớ thương, đau xót kìm nén đến giờ phút chia tay đã vỡ òa thành nước mắt: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt”. Tình cảm chắp cánh cho ước mơ, nhà thơ muốn được hóa thân, hòa nhập vào cảnh vật ở bên lăng Bác.
Mở bài phân tích khổ cuối Viếng lăng Bác – Mẫu 2
Trong bài thơ Viếng lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương đã thể hiện cảm xúc lưu luyến, bịn rịn đối với Bác – vị chủ tịch vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Thật vậy, nếu như những dòng thơ trên là nỗi đau buồn, thương nhớ của 1 người con miền Nam đối với Hồ Chủ tịch vĩ đại thì khổ thơ cuối đã thể hiện sự lưu luyến ko muốn rời xa đối với Bác.
Mở bài phân tích khổ cuối Viếng lăng Bác – Mẫu 3
Mong mỏi bao nhiêu năm, nay mới có dịp ra thăm lăng Bác, nhà thơ chất chứa biết bao tâm sự và tình cảm mến yêu. Khoảnh khắc viếng thăm ngắn ngủi khiến nhà thơ vô cùng xúc động và luyến tiếc. Khổ thơ thứ tư diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ muốn được ở mãi bên lăng Bác.
Mở bài phân tích khổ cuối Viếng lăng Bác – Mẫu 4
Bài thơ Viếng lăng Bác đã thể hiện nỗi niềm xúc động, lòng biết ơn sâu sắc của Viễn Phương – một nhà thơ miền Nam lần đầu ra Hà Nội và hòa vào dòng người vào lăng viếng Bác. Cấu trúc của bài thơ như một hành trình miêu tả khoảnh khắc khi tác giả đứng trước lăng, khi xếp hàng và khi đứng trước di hài của Bác. Khổ thơ kết thúc bài thơ là một dấu lặng kết thúc hành trình ấy, bộc lộ niềm lưu luyến của Viễn Phương khi tạm biệt Bác trở về miền Nam.