Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva cho biết nước này đang chuẩn bị một đội đặc nhiệm để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân ở khu vực Amazon, nơi đang hứng chịu đợt hạn hán kỷ lục khiến các dòng sông cạn nước và cá chết. hàng loạt nguồn nước uống bị ô nhiễm…
Lực lượng này sẽ được Không quân Brazil vận chuyển bằng máy bay tới các bang Amazonas và Acre cùng với nước, thực phẩm, thuốc men…
Ngoài ra, chính phủ đã phân bổ 140 triệu reais (27,76 triệu USD) để nạo vét sông và cảng trong khu vực nhằm duy trì giao thông thủy. Mực nước sông Rio Negro đã giảm trung bình 30 cm/ngày kể từ giữa tháng 9 và đến ngày 27/9 chỉ còn 16,4 m, thấp hơn tới 6 m so với cùng kỳ năm ngoái.
Hạn hán kỷ lục ở Brazil đã ảnh hưởng đến khoảng 111.000 người ở khu vực Amazon và có thể lên tới 500.000 người – theo Cơ quan Quốc phòng Brazil.
Hồ Piranha cạn kiệt do hạn hán trên sông Solimoes, bang Amazonas – Brazil Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, tại Indonesia có tổng cộng 3.788 vụ cháy rừng và cháy đồng từ đầu năm đến ngày 5/9, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nam Sumatra là nơi xảy ra nhiều vụ cháy nhất, với 386 vụ cháy xảy ra cùng lúc trong ngày 6/9, theo Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG). Với thời tiết khô hanh do ảnh hưởng của El Nino, tình trạng này dự đoán sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới.
Trong khi đó, mạng lưới giám sát sông băng Thụy Sĩ GLAMOS ngày 28/9 cho biết các sông băng ở nước này đã tan chảy rất nhiều trong năm nay, chỉ kém một chút so với năm kỷ lục 2022.
Tổng cộng, trong 2 năm, các sông băng ở Thụy Sĩ đã mất tới 10% tổng thể tích, tương ứng với lượng băng bị mất trong 3 thập kỷ trước năm 1990. Thụy Sĩ vừa trải qua mùa hè nóng thứ 3 trong lịch sử nước này. .
Người đứng đầu GLAMOS Mathias Huss cho biết: “Có rất ít tuyết vào mùa đông và mùa hè quá nóng. Sự kết hợp này là điều tồi tệ nhất đối với sông băng”. Hơn một nửa số sông băng trên dãy Alps nằm ở Thụy Sĩ, nơi nhiệt độ đang tăng gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu do biến đổi khí hậu.