Bạn đang xem bài viết Ngành Quan hệ quốc tế – Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm tại Thcshoanghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bạn đang tìm hiểu về ngành Quan hệ quốc tế và vẫn đang thắc mắc rất nhiều vấn đề xung quanh ngành học. Chẳng hạn như cơ sở đào tạo, cơ hội nghề nghiệp, sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế thì có thể làm gì và làm ở đâu? Bài viết sẽ cùng bạn tìm hiểu tổng quan về ngành Quan hệ quốc tế từ chương trình đào tạo cho đến mức lương và cơ hội việc làm. Thế nên hãy cùng theo dõi với mình nhé!
I. Ngành Quan hệ quốc tế là gì?
1. Ngành Quan hệ quốc tế là gì?
Quan hệ quốc tế (tiếng Anh: International Relations) là một môn khoa học chính trị đa lĩnh vực. Ngành đặc biệt quan tâm đến các quốc gia, tổ chức đa chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các công ty đa quốc gia.
Cũng vì thế mà ngành học này tập trung nghiên cứu các vấn đề về ngoại giao giữa các quốc gia xoay quanh các mặt như văn hóa, kinh tế, công nghệ, pháp luật,… Đồng thời đào tạo cách xây dựng mối quan hệ thông qua quan hệ quốc tế.
Tìm việc làm, tuyển dụng thư ký có thể bạn quan tâm:
– Nhân viên Quan hệ lao động – PR Nội bộ
– Admin và Mua hàng công ty Tận Tâm
2. Tầm quan trọng của ngành Quan hệ quốc tế
Hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, đều đang chú trọng xu hướng hợp tác quốc tế, mở rộng mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia, khu vực khác trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành Quan hệ quốc tế đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Đây là cầu nối giúp các quốc gia xây dựng quan hệ, tiến gần và hợp tác trên nhiều mặt. Mà nhất chính là thương mại – xuất nhập khẩu hàng hóa. Thế nên, có thể nói rằng những bạn sinh viên theo học ngành Quan hệ quốc tế chính là nhân tố được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm và săn đón.
II. Các chuyên ngành thuộc ngành Quan hệ quốc tế
Khi nhìn tổng quan ngành Quan hệ quốc tế, chúng ta có thể thấy được 2 chuyên ngành lớn mà đa số các trường đào tạo chất lượng hiện nay đang triển khai. Bao gồm:
– Nghiệp vụ ngoại giao: Đây là chuyên ngành đào tạo các kiến thức cơ bản về các mối quan hệ quốc tế. Cụ thể, bạn sẽ được đào tạo các kỹ năng giao tiếp trong hoạt động đối ngoại, nghiệp vụ ngoại giao. Cũng như các kỹ năng tổ chức, quản lý, giám sát, tham mưu, tư vấn về đối ngoại và hợp tác quốc tế.
– Nghiệp vụ báo chí quốc tế: Sinh viên theo học nghiệp vụ báo chí quốc tế sẽ được đào tạo về kỹ năng phỏng vấn, điều tra và thu thập, phân tích thông tin để viết nên một bài báo khách quan cũng như chính xác nhất. Ngoài ra, bạn sẽ còn được rèn luyện các kỹ năng phát ngôn, dịch thuật, thích nghi tốt với môi trường thay đổi,… để có thể hoạt động ở môi trường quốc tế.
III. Nội dung đào tạo trong ngành Quan hệ quốc tế
– Kiến thức cơ bản của Quan hệ quốc tế: Gồm một số các vấn đề chung nhất của quan hệ quốc tế. Bao gồm quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa; chính sách đối ngoại, lịch sử ngoại giao của Việt Nam; chính sách đối ngoại của một số quốc gia.
– Quan hệ quốc tế chuyên sâu: Tổ chức nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề quan trọng của quan hệ quốc tế. Bao gồm lý luận chuyên sâu, luật pháp quốc tế, quan hệ quốc tế ở các điểm nóng, quan hệ quốc tế trên lĩnh vực quan trọng,…
– Tiếng Anh chuyên ngành: Đây là phần kiến thức quan trọng của sinh viên ngành Quan hệ quốc tế. Các trường sẽ tập trung đào tạo tiếng Anh toàn diện nghĩa là phát triển đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết các vấn đề quốc tế. Đồng thời đào tạo khả năng phiên dịch, biên dịch hai chiều Anh – Việt từ mức độ cơ bản đến nâng cao.
– Nghiệp vụ đối ngoại: Đào tạo các kiến thức và kỹ năng về phát ngôn, giao tiếp đàm phán quốc tế, tổ chức các sự kiện tiêu biểu của hoạt động đối ngoại, văn phòng đối ngoại.
– Nghiệp vụ ngoại giao: Hỗ trợ sinh viên trong các tình huống đối mặt với nguyên thủ quốc gia, bộ ngoại giao, đại sứ quán và viên chức ngoại giao, cũng như tiếp xúc, đàm phán ngoại giao, văn kiện ngoại giao.
– Báo chí đối ngoại: Bạn sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng về báo chí quốc tế, tác phong nghề nghiệp của nhà báo đối ngoại, nhà báo quốc tế. Cùng với đó là các kiến thức, kỹ năng quản lý báo chí đối ngoại trong hoạt động thực tế.
– Truyền thông quốc tế: Đào tạo kỹ năng và kiến thức cho các công việc liên quan đến quản trị truyền thông, lập kế hoạch truyền thông và sản xuất các sản phẩm báo chí – truyền thông quốc tế. Có 2 mảng nhỏ là quản trị truyền thông quốc tế (nghiên cứu thị hiếu công chúng, lên kế hoạch và thực hiện hiệu quả kế hoạch truyền thông) và sản xuất sản phẩm truyền thông quốc tế (tạp chí, báo điện tử, video clip,…).
IV. Tố chất phù hợp với ngành Quan hệ quốc tế
– Kỹ năng giao tiếp và thuyết phục: Vì được đào tạo chủ yếu về các vấn đề giao tiếp, đối ngoại. Thế nên yêu cầu tiên quyết khi học ngành Quan hệ quốc tế là kỹ năng giao tiếp, thuyết phục của bạn nằm ở mức khá tốt.
– Khả năng làm việc nhóm và độc lập: Bạn sẽ đáp ứng được yêu cầu của ngành khi vừa có thể làm việc nhóm mà vừa có thể làm việc độc lập. Bởi lẽ, nhu cầu hợp tác quốc tế luôn luôn cần sự phối hợp giữa người với người – đề cao kỹ năng làm việc nhóm. Nhưng trong một vài tình huống, bạn cần phải độc lập trong suy nghĩ để đưa ra các quyết định dứt khoát và chính xác cho những công việc quan trọng.
– Khả năng ngoại ngữ tốt: Vì là làm việc trong môi trường quốc tế, đi theo xu thế toàn cầu hóa. Thế nên, ngoại ngữ tốt vừa chính là một lợi thế cực kỳ lớn, vừa cũng là yêu cầu quan trọng cần đáp ứng đầu tiên khi theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế.
– Kỹ năng lắng nghe: Bạn sẽ cần phải trau dồi hơn nữa kỹ năng lắng nghe để phân tích, đúc kết thông tin. Vì trong ngoại giao, điều quan trọng nhất là nghe kỹ và ghi nhớ các chi tiết để đưa ra đường hướng, kế hoạch, chiến lược phù hợp.
– Khả năng chịu đựng áp lực: Khi tiếp xúc với các bộ phận ngoại giao, nguyên thủ quốc gia, hoặc chịu trách nhiệm xử lý các nhiệm vụ quan trọng, bạn sẽ phải hạn chế tối đa những sai sót. Và quá trình dài làm việc trong môi trường nguyên tắc sẽ gây nên các áp lực nhất định. Cho nên bạn cần rèn luyện cho mình một tinh thần thép, có thể làm việc dưới môi trường áp lực cao.
– Kỹ năng tự học: Những kiến thức trên sách vở và được giảng dạy tại trường chỉ có thể hỗ trợ rất nhỏ cho nhiều tình huống phát sinh trong thực tế. Vì vậy, khi theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế, bạn được yêu cầu phải có khả năng tự học thường xuyên, mọi lúc và mọi nơi để có thể ứng biến tốt với nhiều trường hợp.
– Hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa – xã hội, tín ngưỡng của các quốc gia trên thế giới: Khi thực hiện một chiến dịch ngoại giao, điều tiên quyết mà bạn cần nắm rõ chính là lịch sử, văn hóa – xã hội, tín ngưỡng của quốc gia đó. Vì đây là những vấn đề tương đối nhạy cảm đối với một quốc gia; là yếu tố quyết định để bạn giao tiếp và đưa ra chính sách ngoại giao một cách hợp lý.
– Khả năng nắm bắt xu hướng nhanh: Toàn cầu hóa là xu hướng quan tâm hàng đầu của ngành Quan hệ quốc tế. Vì vậy, bạn phải thường xuyên cập nhật tin tức và nắm bắt xu hướng thế giới đang chuyển động để có thể đưa ra nhận định, lời cố vấn phù hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể.
– Tinh thần trách nhiệm cao, dám đối mặt với khó khăn: Vì môi trường làm việc khắc nghiệt và chú trọng đến tính nguyên tắc. Thế nên tinh thần trách nhiệm của bạn phải luôn được ưu tiên để có thể đối mặt với những tình huống không được học trên ghế nhà trường.
– Năng động, tự tin, nhạy bén: Bạn sẽ được đào tạo về tư duy phản biện, do đó, yêu cầu chung của ngành Quan hệ quốc tế là người học phải tự tin vào bản thân. Ngoài ra, sự năng động và nhạy bén trước các vấn đề sẽ có thể giúp bạn đưa ra các lập luận một cách chính xác, sắc bén.
– Cẩn trọng, tinh tế, tỉ mỉ: Điều tối quan trọng khi làm việc trong ngành Quan hệ quốc tế là tính cẩn trọng và tinh tế. Bởi lẽ, kể cả khi chỉ thực hiện giao tiếp bình thường, các hành động tinh tế và tỉ mỉ của bạn sẽ luôn được đánh giá cao và đạt được một hiệu quả giao tiếp nào đó.
V. Tương lai của ngành Quan hệ quốc tế
1. Mức lương trong ngành Quan hệ quốc tế
Với ngành Quan hệ quốc tế, do tính chất công việc đòi hỏi trình độ và nhiều kỹ năng mềm cùng với môi trường làm việc nguyên tắc. Thế nên, mức lương trong ngành được đánh giá là khá cao, kể cả khi bạn chỉ là sinh viên mới ra trường. Ngoài ra, mức lương cũng sẽ tăng theo thời gian, kinh nghiệm làm việc và trình độ phát triển của bạn.
Dưới đây là mức thu nhập cho một số vị trí trong ngành Quan hệ quốc tế:
– Chuyên viên đối ngoại: 20 triệu đồng/tháng.
– Chuyên viên điều phối dự án: 15 triệu đồng/tháng.
– Biên dịch viên, phiên dịch viên: 25 triệu đồng/tháng.
– Hướng dẫn viên du lịch: 35 triệu đồng/tháng.
– Giảng viên Quan hệ quốc tế: 12 triệu đồng/tháng.
– Chuyên viên đại diện thương mại: 20 triệu đồng/tháng.
2. Cơ hội việc làm ngành Quan hệ quốc tế
Khi tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế và đi làm, bạn có nhiều lựa chọn việc làm cũng như môi trường và địa điểm làm việc phù hợp với bản thân. Chẳng hạn như, bạn sẽ làm các công việc nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế, báo chí đối ngoại, truyền thông quốc tế tại nhiều môi trường: công, tư, phi lợi nhuận và các khu vực chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế thuộc Việt Nam và nước ngoài.
Tiếp theo đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về công việc cũng như nhiệm vụ từng vị trí trong ngành Quan hệ quốc tế:
– Chuyên viên đối ngoại: Bạn sẽ có thể làm các công việc như sản xuất nội dung phát ngôn đối ngoại, công tác truyền thông đối ngoại,… cho các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương, các bộ ngành.
– Chuyên viên điều phối dự án: Là người trực tiếp điều phối dự án được cấp trên bàn giao, thực hiện các công việc giám sát, điều hành và hỗ trợ dự án phát triển, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
– Biên dịch/Phiên dịch viên: Thực hiện biên dịch, phiên dịch tài liệu song ngữ (chủ yếu là Anh – Việt) từ các công ty, tổ chức công – tư nhân cho đến các cơ quan Nhà nước Trung ương, địa phương,…
– Hướng dẫn viên du lịch: Với các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý, tổ chức, khả năng ngoại ngữ tốt,… cộng với những kiến thức về lịch sử, văn hóa – xã hội, bạn có thể chọn trở thành một hướng dẫn viên du lịch,
– Giảng viên: Bạn cũng có thể chọn làm việc ở các trường đại học, viện đào tạo,… nhằm truyền đạt các kiến thức và kỹ năng mà mình đã tích lũy được đến các thế hệ sau này để củng cố, duy trì nguồn nhân sự đầu ra cho ngành.
– Chuyên viên đại diện thương mại: Là người được ủy thác kinh doanh của một thương nhân trong phạm vi một địa phương (toàn quốc, tỉnh, khu vực) với quyền hạn là độc lập giao dịch, thương lượng, ký kết hợp đồng mua, bán, thuê tài sản, thuê nhân viên,… thay mặt và phục vụ lợi ích của nhà kinh doanh.
VI. Thi tuyển sinh ngành Quan hệ quốc tế
1. Ngành Quan hệ quốc tế thi khối nào?
Nếu bạn có ý định dự thi vào ngành Quan hệ quốc tế, bạn có thể đăng ký các khối thi như:
– A00 (Toán, Vật Lý, Hóa Học)
– A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh)
– C00 (Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý)
– C15 (Ngữ Văn, Toán, Khoa học xã hội)
– D01 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh)
– D03 (ngữ Văn, Toán, Tiếng Pháp)
– D04 (ngữ Văn, Toán, Tiếng Trung)
– D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh)
– D14 (Ngữ Văn, Lịch Sử, Tiếng Anh)
– D15 (Ngữ Văn, Địa Lý, Tiếng Anh)
– D72 (Ngữ Văn, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh)
– D78 (Ngữ Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh).
2. Ngành Quan hệ quốc tế lấy bao nhiêu điểm?
Điểm chuẩn ngành Quan hệ quốc tế năm 2022 của các trường đại học trên thấp nhất là 15 và cao nhất là 27.85 (thang điểm 30). Điểm chuẩn theo hình thức thi tốt nghiệp THPTQG của các khối thi vào ngành Quan hệ quốc tế như sau:
Học Viện Ngoại Giao – HQT
Khối A01; D01; D06; D07: 26.85 điểm (Ngoại ngữ: 9.4)
Khối D03; D04: 25.85 điểm (Ngoại ngữ: 9.4)
Khối C00: 27.85 điểm (Ngoại ngữ: 9.4)
Học Viện Khoa Học Quân Sự – Hệ Quân sự – NQH
Khối D01:24.79 điểm (Thí sinh nam)
Khối D01:28.01 điểm (Thí sinh nữ)
Khối D01:25.88 điểm (Xét tuyển HSG bậc THPT đối với thí sinh nữ)
Khoa Quốc tế – Đại học Huế -DHI
Khối C00; D01; D14; D15:18 điểm
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – HIU
Khối A00; A01; C00; D01:15 điểm
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM – QSX
Khối D14:26.6 điểm
Khối D01:26.2 điểm
Khối D14:25.6 điểm (CLC)
Khối D01:25.3 điểm (CLC)
Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP Hồ Chí Minh – DNT
Khối A01; D01; D14; D15: 22 điểm(Điểm Tiếng Anh nhân hệ số 2)
VII. Trường đào tạo ngành Quan hệ quốc tế
1. Tại khu vực miền Bắc
– Học Viện Ngoại giao: Được thành lập vào năm 2008 với tiền thân là Học Viện Quan Hệ Quốc Tế, đây là cơ sở đào tạo hàng đầu về ngành Quan hệ quốc tế tại Việt Nam. Trong 60 năm hình thành và phát triển, Học Viện đã đạt được 5 Huân chương; có 2 viện nghiên cứu; 6 chương trình đào tạo đại học; có số lượng Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế công tác nhiều nhất tại Việt Nam. Về kế hoạch giảng dạy dự kiến, Học Viện đào tạo tổng cộng 51 học phần có liên quan đến các lĩnh vực ngoại giao. Bên cạnh các khối kiến thức chung về ngành và kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được học các học phần về ngoại ngữ cơ sở và ngoại ngữ chuyên ngành, bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung.
– Học Viện Báo chí và Tuyên truyền: Trải qua công tác tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng từ năm 1962 đến nay, trường đạt hơn 80 nghìn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và cán bộ các cấp thuộc các lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng, báo chí – truyền thông. Trong đó có 33 phó giáo sư, 95 tiến sĩ, 212 thạc sĩ, cử nhân công tác tại Học viện. Khi theo học ngành Quan hệ quốc tế tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bên cạnh các khối kiến thức chung, sinh viên sẽ được hoạt động kiến tập nghề nghiệp tại nước ngoài (Thái Lan, Hàn Quốc,…), tham gia các khóa học/dự án nước ngoài, tham dự các hoạt động ngoại khóa do sinh viên phối hợp với khoa tổ chức, tham gia các câu lạc bộ trực thuộc khoa,…
– Học Viện Khoa học Quân sự: Tiền thân là Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự được thành lập năm 1947, đây là trung tâm hàng đầu đào tạo ngoại ngữ và quan hệ quốc tế về quốc phòng trong Quân đội. Khi theo học ngành Quan hệ quốc tế tại Học viện, bạn sẽ được đào tạo để trở thành quân nhân có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng. Trở thành sĩ quan ngoại ngữ Quan hệ Quốc tế trình độ đại học có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Về kiến thức chuyên ngành và kỹ năng, bạn sẽ buộc phải đáp ứng đủ được những yêu cầu chung về ngành học và những yêu cầu riêng khi hoạt động trong môi trường Quân sự.
2. Tại khu vực miền Trung
– Khoa Quốc tế – Đại học Huế: Thành lập vào năm 2019, từ tiền đề là Trung tâm Giáo dục Quốc tế – Đại học Huế. Trong đó, tiền thân của Trung tâm Giáo dục Quốc tế là Trung tâm bồi dưỡng nguồn đào tạo Tiến sĩ thành lập năm 2003, sau đổi tên thành Trung tâm Đào tạo Quốc tế năm 2010. Đến năm 2015 thì đổi thành Trung tâm Giáo dục Quốc tế – Đại học Huế. Khi theo học ngành Quan hệ quốc tế tại Khoa Quốc tế – Đại học Huế, bạn sẽ được đào tạo các kiến thức cơ bản về lập luận ngành, kiến thức chuyên ngành Kinh tế quốc tế, kiến thức thực tập. Cũng như các kỹ năng mềm mà ngành yêu cầu (tư duy phản biện, lập luận logic, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, hoạt động độc lập,…), hay năng lực tự chủ và trách nhiệm khi tốt nghiệp và theo nghề.
– Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng: Với hơn 40 năm tuổi, đội ngũ giảng viên mà trường ghi nhận là 14 Giáo sư – Phó Giáo sư, 84 Tiến sĩ, 192 Thạc sĩ và 69 Giảng viên chính quy đang công tác. Đồng thời, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng đã đào tạo hơn 20.000 cử nhân sư phạm và cử nhân khoa học. Quan hệ quốc tế là một chuyên ngành của ngành Lịch sử, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2010 nên đã có 11 năm phát triển. Về chuẩn đầu ra, ngành yêu cầu bạn phải trang bị đầy đủ các kiến thức chung, đảm bảo có thái độ và tác phong tối thiểu (có trách nhiệm, nhiệt huyết, chăm chỉ,…).
– Trường Đại Học Duy Tân: Được thành lập năm 1994, đây là đại học tư thục đầu tiên và lớn nhất miền Trung đào tạo đa bậc, đa ngành, đa lĩnh vực. Trường đã cung cấp hơn 70 nghìn Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư, Kiến trúc sư, Dược sĩ và Cử nhân; tuyển sinh được 63 nghiên cứu sinh, hơn 3 nghìn học viên cao học, 100 nghìn sinh viên đại học chính quy. Quan hệ quốc tế là ngành thuộc khoa Khoa học xã hội và Nhân văn của trường. Tại đây, bạn sẽ được trang bị các kỹ năng mềm trong hoạt động đối ngoại, trình độ ngoại ngữ cùng kiến thức và kỹ năng chuyên môn về Quan hệ Quốc tế, Kinh tế – Luật pháp quốc tế, Lịch sử – văn hóa thế giới, Chính sách và đường lối đối ngoại, Chính trị các khu vực trên thế giới,…
3. Tại khu vực miền Nam
– Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng: Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thành lập năm 1997, trải qua 24 năm phát triển, Trường đã có 10 khoa với 48 ngành đào tạo của hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Khi lựa chọn ngành Quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, bạn sẽ được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, cùng với đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy, giàu kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Đồng thời kết hợp với các giảng viên thỉnh giảng từ các trường đại học, các cơ quan ngoại giao. Hơn thế nữa, bạn sẽ được học tập trong môi trường đa văn hóa, được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, tham gia các hoạt động sinh viên sôi nổi với hai câu lạc bộ học thuật và nghệ thuật,
– Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP Hồ Chí Minh: Được thành lập vào năm 2007, theo đuổi mục tiêu là đại học hàng đầu Việt Nam và hướng tới chuẩn mực đào tạo quốc tế. Hiện tại, 85% đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên cơ hữu của trường có trình độ từ Thạc sĩ trở lên. Trong đó có hơn 20% là Giáo sư, Phó Giáo sư và Tiến sĩ. Khi chọn học ngành Quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, bạn sẽ được đào tạo theo phương pháp hiện đại, gắn liền với thực tiễn, được học tập trong môi trường chuẩn Quốc tế, chú trọng tiếng Anh giao tiếp và chuyên môn. Khi tốt nghiệp, bạn sẽ được cung cấp nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc để tiến tới tạo dựng tên tuổi, khẳng định vị trí trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.
– Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP Hồ Chí Minh: Năm 2015, Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. Hồ Chí Minh chuyển từ loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục. Tính đến năm 2017, Trường đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với hơn 80 trường đại học và tổ chức đến từ các quốc gia khác nhau như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Ngành Quan hệ quốc tế tại trường đào tạo khung chương trình tổng quan, yêu cầu kỹ năng và tố chất giống với các cơ sở đào tạo khác. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của khoa cũng gắn liền giữa các hoạt động chuyên môn và thực tiễn thông qua việc liên kết với các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Từ đó tạo cơ hội cho sinh viên giao lưu, tiếp xúc và tìm hiểu cách thức làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, sớm hình thành những kỹ năng cơ bản.
– Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM: Là trường đào tạo các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn hàng đầu ở khu vực miền Nam, có quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Khoa Quan hệ quốc tế của trường là đơn vị duy nhất đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế (từ năm 2008 đến nay) tại khu vực phía Nam. Ngành Quan hệ quốc tế của trường đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có năng lực học tập suốt đời, năng lực sáng tạo, năng lực lãnh đạo, khả năng giải quyết vấn đề và năng lực trưởng thành toàn diện (đức – trí – thể – mỹ) trong bất kỳ môi trường làm việc nào. Phần lớn đội ngũ giảng viên của Khoa Quan hệ Quốc tế có học vị cao và tốt nghiệp nước ngoài, có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu và giảng dạy trong môi trường quốc tế.
– Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Là trường đại học ứng dụng đa ngành đa lĩnh vực, có quy mô đào tạo khoảng 20 nghìn sinh viên với 17 khoa, 48 chương trình đào tạo bậc đại học thuộc 5 khối ngành: Sức khỏe, Công nghệ – Kỹ thuật, Kinh tế, Xã hội – Nhân văn, Mỹ thuật – Nghệ thuật. Ngành Quan hệ quốc tế sẽ rèn luyện cho bạn những kỹ năng hỗ trợ cho việc giao tiếp và việc làm sau này như kỹ năng xử lý thông tin, kỹ năng đối thoại, kỹ năng thu thập đánh giá một cách chính xác các vấn đề quốc tế, truyền thông, hay kỹ năng tổ chức sự kiện,… Ngoài các kiến thức đào tạo chung, ngành Quan hệ quốc tế còn đào tạo kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm và trau dồi, rèn luyện khả năng ngoại ngữ, giao tiếp tiếng Anh thành thạo, tự tin. Đây cũng chính là một điểm cộng quan trọng, và là điều kiện góp phần giúp bạn tìm được việc làm đúng chuyên ngành sau khi học tập tại trường.
Xem thêm:
– Quan hệ công chúng là gì? Ngành học và các trường đào tạo hiện nay
– Ngành du lịch là gì? Công việc, cơ hội và trường đào tạo hiện nay
– Ngành Truyền thông đa phương tiện là gì? Xu hướng việc làm
Bên trên là các thông tin tổng quan về ngành Quan hệ quốc tế cũng như cơ hội việc làm, xu hướng nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn trong quá trình định hướng sau này. Hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết nếu bạn thấy nội dung hữu ích nhé!
Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Quan_hệ_quốc_tế
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Ngành Quan hệ quốc tế – Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm tại Thcshoanghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.