Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các công ty, tổ chức trên thế giới có kế hoạch gửi hàng chục tàu thăm dò lên mặt trăng trong vài năm tới, với mục tiêu khai thác khoáng sản, nước và các tài nguyên khác để xây dựng căn cứ lâu dài, có thể sinh sống được ở đó. Đây sẽ là bước đệm cho sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa.
Theo các nhà thiên văn học, việc khám phá mặt trăng một cách liều lĩnh có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho các địa điểm nghiên cứu khoa học có giá trị.
Họ nêu bật nghiên cứu về sóng hấp dẫn, quan sát lỗ đen, nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất và các nghiên cứu khác có thể bị đe dọa.
“Vấn đề đã trở nên cấp bách. Chúng ta cần phải hành động ngay vì những quyết định của chúng ta ở thời điểm hiện tại sẽ đặt nền móng cho hành vi trong tương lai của chúng ta trên mặt trăng” – chuyên gia Martin Elvis thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn, Harvard & Smithsonian (Mỹ) cảnh báo.
Việc thăm dò mặt trăng bừa bãi có thể ảnh hưởng đến nghiên cứu và các nguồn tài nguyên có giá trị. Ảnh: Reuters
Chuyên gia Richard Green của Đại học Arizona (Mỹ) cũng có quan điểm tương tự khi khẳng định với The Guardian : “Chúng ta cần phải hết sức cẩn thận khi khai thác và xây dựng căn cứ trên mặt trăng”.
Xây dựng “hầm ngày tận thế” trên mặt trăng
NASA và Trung Quốc chạy đua đưa lò phản ứng hạt nhân lên Mặt trăng
“Một số hố mặt trăng được phát hiện đã bị bao phủ trong bóng tối kể từ khi mặt trăng hình thành cách đây hàng tỷ năm. Ánh sáng mặt trời không thể tới những khu vực này nên chúng cực kỳ lạnh. Điều này khiến chúng đặc biệt có giá trị về mặt khoa học” – ông Green nói thêm.
Những lỗ mặt trăng như vậy là nơi lý tưởng để hạ cánh các thiết bị khoa học như kính thiên văn hồng ngoại, cần được làm mát liên tục.
Có kế hoạch xây dựng một đài quan sát sử dụng kính viễn vọng hồng ngoại – một đài quan sát đủ mạnh để theo dõi các ngôi sao mờ ở xa Trái đất và có thể có các hành tinh đá nhỏ quay quanh chúng.
“Đây là những địa điểm lý tưởng để tìm kiếm sự sống nhưng chúng nằm ngoài giới hạn của các đài quan sát hiện nay”, ông Green nói.
Các vùng bị che khuất vĩnh viễn (được hiển thị bằng màu xanh lam) bao phủ khoảng 3% cực nam của mặt trăng và có thể chứa nước đóng băng. Ảnh: Tạp chí Smithsonian
Những hố Mặt Trăng này được cho là chứa nước ở dạng băng siêu lạnh, không bốc hơi như những khu vực khác. Chúng có thể tiết lộ những thông tin có giá trị về lịch sử xuất hiện của nước trên mặt trăng cũng như trên Trái đất.
Tuy nhiên, những miệng hố chứa đầy băng cũng được xem là địa điểm vô giá trong mắt những ai muốn chinh phục mặt trăng. Nói cách khác, chúng sẽ trở thành mục tiêu không thể cưỡng lại của nhiều công ty và phi hành gia.
“Nước sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với con người trên mặt trăng, nhưng chúng ta phải đảm bảo nó không được lấy từ những vị trí không thể thay thế về mặt khoa học” – ông Elvis nhấn mạnh.
Các nhà thiên văn vô tuyến cũng đánh dấu một địa điểm quan trọng khác. Địa điểm này nằm trên nửa vô hình của mặt trăng, được bảo vệ khỏi các bức xạ vô tuyến hỗn loạn phát ra từ Trái đất.
Đây sẽ là nơi lý tưởng để chế tạo một kính viễn vọng khổng lồ có thể phát hiện các sóng vô tuyến cực thấp phát ra từ vũ trụ sơ khai, cung cấp thông tin quan trọng về sự hình thành của các thiên hà đầu tiên.
Ảnh chụp từ chương trình thám hiểm mặt trăng của Phái bộ Hằng Nga 5 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) và các cơ quan vũ trụ khác đang lên kế hoạch phóng các vệ tinh quanh mặt trăng để điều khiển robot tự động và các thiết bị khác trên bề mặt mặt trăng. Tín hiệu vô tuyến rò rỉ từ các thiết bị này có thể làm hỏng độ nhạy của kính thiên văn nói trên.
“Công nghiệp hóa mặt trăng dường như đang trở thành một triển vọng thực sự. Điều này có thể làm giảm chi phí phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh bất kỳ hoạt động nào có thể phá hủy các địa điểm độc nhất của mặt trăng và là nguồn nghiên cứu vô giá cho khoa học.
Phải mất một thời gian dài để điều chỉnh các hiệp ước của Liên hợp quốc. Vì vậy, chúng ta cần phải hành động ngay nếu muốn hy vọng vào những thỏa thuận quốc tế bảo vệ những đặc điểm khoa học độc đáo của mặt trăng và đảm bảo chúng không bị phá hủy bởi các hoạt động khai thác bừa bãi”, ông Green nói.
Tạp chí khoa học mới đây cảnh báo Hiệp ước ngoài vũ trụ năm 1967 ngăn cản các nước đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với các thiên thể nhưng lại không nói gì về hoạt động khai thác tài nguyên trong không gian.
NASA ước tính mặt trăng chứa đựng những nguồn tài nguyên chưa được khai thác trị giá hàng trăm tỷ USD. Ảnh: Reuters