Bạn đang xem bài viết Nhãn hiệu là gì? Phân loại và điều kiện đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Thcshoanghiep.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Tất cả các doanh nghiệp ngày nay nếu muốn xây dựng và phát triển thương hiệu của mình đều phải thiết lập một nhãn hiệu riêng và đăng ký theo quy định của Pháp luật. Vậy nếu bạn muốn tìm hiểu rõ hơn nhãn hiệu là gì và các điều kiện đăng ký nhãn hiệu thì hãy xem tiếp bài viết nhé!
I. Nhãn hiệu là gì?
1. Định nghĩa
Nhãn hiệu, tiếng Anh là trademark, là những chữ cái, ký tự, dấu hiệu riêng biệt thuộc quyền sở hữu của mỗi doanh nghiệp, tổ chức để phân biệt với các doanh nghiệp, tổ chức khác. Nhãn hiệu thường là tên thương hiệu, tên sản phẩm của doanh nghiệp. Ví dụ một số nhãn hiệu nổi tiếng mà hầu hết ai cũng biết là Apple, Samsung, KFC, Grab, Disney,…
Pháp luật Việt Nam cũng đã đưa ra một khái niệm tổng quát về nhãn hiệu. Theo khoản 16 điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 và khoản 2 điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, “Nhãn hiệu là dấu hiệu để nhận biết, phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức hay cá nhân khác nhau. Để chính thức sở hữu một nhãn hiệu thì doanh nghiệp, tổ chức phải thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu theo quy định của Pháp luật.
2. Phân loại nhãn hiệu theo tính chất
– Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. (khoản 17 Điều 4)
– Nhãn hiệu liên kết: là nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau, dùng cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại, hoặc tương tự với nhau hoặc có liên quan với nhau. (khoản 19 điều 4)
– Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. (khoản 18 điều 4)
– Nhãn hiệu nổi tiếng: là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. (khoản 20 điều 4)
II. Giá trị của nhãn hiệu đối với doanh nghiệp
Trong thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, có rất nhiều nhãn hiệu khác nhau đến từ các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Vì vậy, sở hữu một nhãn hiệu độc đáo, dễ nhớ sẽ giúp cho doanh nghiệp có vị thế cao trong tâm trí của khách hàng. Khi khách hàng có nhu cầu về sản phẩm thì nhãn hiệu của doanh nghiệp sẽ xuất hiện đầu tiên trong đầu họ, và có khả năng cao khách hàng sẽ mua sản phẩm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhãn hiệu càng lâu đời, đã đi cùng doanh nghiệp trong một khoảng thời gian dài, sẽ càng dễ gây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp. Nói chung sở hữu một nhãn hiệu chất lượng sẽ khiến cho doanh nghiệp trở nên uy tín, tăng độ cạnh tranh trên thị trường và tăng độ nhận diện thương hiệu.
Tin tuyển dụng có thể bạn quan tâm – việc làm thu mua:
– Trưởng nhóm Phát triển Online Ngành Hàng Gia Dụng
– Trưởng Bộ Phận Phát Triển Bán Hàng Online
III. Dấu hiệu nhận biết đã đăng ký nhãn hiệu
Mỗi dạng sản phẩm, dịch vụ của công ty sẽ được đăng ký theo các cách khác nhau và có những dấu hiệu khác nhau. Bạn sẽ thường thấy những dấu hiệu trên các bao bì hoặc ở ngay cạnh tên thương hiệu như ™, ®, ℠, C. Đó là những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đã đăng ký bản quyền hoặc đã xác định “chủ quyền” nhãn hiệu.
1. Ý nghĩa chữ TM hay Trademark
TM là viết tắt của từ Trademark, là ký hiệu được công ty dùng nhằm khẳng định mình là người sáng lập nhãn hiệu và nhắc nhở các công ty, tổ chức khác không được sử dụng.Tuy nhiên, khi ký hiệu ™ xuất hiện trên các sản phẩm, dịch vụ thì không có nghĩa là công ty đã đăng ký bản quyền. Nếu có công ty, tổ chức khác hoàn thành việc đăng ký bảo hộ bản quyền với nhãn hiệu đó trước thì bạn sẽ mất quyền sở hữu nhãn hiệu mà mình đã tạo ra. Vì vậy các công ty phải luôn nhanh chóng thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với Pháp luật để không bị mất quyền lợi.
2. Ý nghĩa chữ SM hay Service Mark
SM là viết tắt của từ Service Mark, ký hiệu này được dùng riêng cho các công ty cung cấp dịch vụ, không phải hàng hóa, vật chất. Bởi vì một số nước quy định phân biệt nhãn hiệu dịch vụ với nhãn hiệu hàng hóa nên cần phân biệt để đăng ký và sử dụng đúng ký hiệu bản quyền.
3. Ý nghĩa chữ R hay Registered
R là viết tắt của từ Register, ký hiệu này xuất hiện trên tên các sản phẩm, dịch vụ thì chứng tỏ nhãn hiệu của công ty đó đã được đăng ký bảo hộ theo luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, giấy tờ đăng ký phải được xác nhận bởi Cục Bản quyền (COV) Việt Nam thì nhãn hiệu, thương hiệu mới chính thức được công nhận.
4. Ý nghĩa chữ C hay Copyrighted
C là viết tắt của từ Copyright, có nghĩa là bản quyền. Chữ C khác với TM, R đó là chữ C có thể được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực như tạp chí, sách báo, quảng cáo, phần mềm… Còn TM và R chỉ được sử dụng trong hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ. Chủ sở hữu sản phẩm, dịch vụ đã có ký hiệu C thì có toàn quyền sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu và nghiêm cấm các hành động sao chép, xâm phạm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ.
IV. Các quyết định liên quan đến nhãn hiệu
1. Quyết định về người đứng tên
Nhà sản xuất có nhiều sự lựa chọn về người hoặc tổ chức đứng tên nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ khi tung ra thị trường. Thứ nhất là chính nhà sản xuất sẽ đứng tên khi đăng ký bản quyền, có thể là tên của một người đại diện hoặc của cả tổ chức. Thứ hai là nhà sản xuất bán sản phẩm cho các trung gian phân phối như nhà bán buôn, nhà bán lẻ và cho phép họ tự đặt nhãn hiệu riêng. Thứ ba là nhà sản xuất có thể để một phần mang nhãn hiệu của mình và một phần thuộc trung gian phân phối. Ở một số nước phát triển thì các trung gian phân phối thường tự tạo ra nhãn hiệu riêng và cung cấp ra thị trường với giá thấp hơn để thu hút đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.
2. Quyết định về chọn tên nhãn hiệu
Việc lựa chọn tên thương hiệu và nhãn hiệu cũng phải đi theo chiến lược phù hợp với doanh nghiệp. Những chiến lược đặt tên thường gặp ở các doanh nghiệp hiện nay là chiến lược nhãn hiệu cá biệt, tên chung cho các sản phẩm, tên riêng cho các sản phẩm, tên nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp đi với tên cá biệt của sản phẩm. Những lưu ý khi đặt tên nhãn hiệu là nhãn hiệu phải khiến cho khách hàng hình dung được đặc tính, lợi ích, chất lượng của sản phẩm khi nhìn thấy, nhãn hiệu phải dễ nhớ, dễ nhận biết, nhãn hiệu phải độc đáo, không trùng lặp với bất kỳ nhãn hiệu nào trong ngành hàng. Ngoài ra, với doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu thì nên đặt tên sao cho có thể dịch sang nhiều ngôn ngữ.
3. Quyết định về chất lượng nhãn hiệu
Nhãn hiệu được lập ra không chỉ là một cái tên, một dấu hiệu để phân biệt với các sản phẩm, dịch vụ khác mà còn phải hỗ trợ chiến lược xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Các nhãn hiệu hiện nay được đánh giá chất lượng theo mức thấp, trung bình, cao, hảo hạng. Tùy vào từng mức độ chất lượng đã quyết định cho nhãn hiệu thì doanh nghiệp cần phải đảm bảo sản phẩm, dịch vụ của mình phục vụ khách hàng đúng với chất lượng đã đăng ký.
4. Quyết định chiến lược nhãn hiệu
– Mở rộng loại sản phẩm: là chiến lược mở rộng thêm nhiều chủng loại sản phẩm của một nhãn hiệu sản phẩm đã có từ trước. Thông thường các sản phẩm mở rộng sẽ có sự thay đổi về hương vị, kích thước, bao bì,… sao cho đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ví dụ như snack khoai tây Lay’s mở rộng nhiều hương vị muối biển, thịt bò, rong biển,…
– Mở rộng nhãn hiệu: đây là chiến lược sử dụng nhãn hiệu đã có của doanh nghiệp để mở rộng ra thêm cho nhiều ngành hàng, loại sản phẩm hoàn toàn khác trước đây. Ví dụ như Samsung sử dụng nhãn hiệu này cho các sản phẩm hoàn toàn mới so với điện thoại như ngành hàng tivi, tủ lạnh, máy in,… Chiến lược này giúp doanh nghiệp không tốn nhiều chi phí Marketing cho sản phẩm mới mà tận dụng sự nổi tiếng của thương hiệu, nhãn hiệu đã có.
– Sử dụng nhãn hiệu mới: là chiến lược tạo ra một nhãn hiệu hoàn toàn mới cho sản phẩm mới của doanh nghiệp. Chiến lược này được sử dụng khi doanh nghiệp cảm thấy nhãn hiệu hiện tại không phù hợp với mặt hàng, phải sáng tạo ra một nhãn hiệu phù hợp hơn, liên quan chặt chẽ hơn với sản phẩm, dịch vụ khi tung ra thị trường.
– Quyết định tái định vị nhãn hiệu: đây là chiến lược thay đổi nhãn hiệu hiện có thành một nhãn hiệu mới hoàn toàn mới. Chiến lược này thường được sử dụng khi doanh nghiệp muốn tái định vị thương hiệu hoặc khi cảm thấy nhãn hiệu không còn phù hợp với sản phẩm, không thu hút được khách hàng nữa.
V. Quy trình đăng ký nhãn hiệu theo luật Việt Nam
1. Điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ
Căn cứ Điều 72, Mục 4, Chương 7, Phần thứ ba của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
2. Quy định đối với thiết kế nhãn hiệu
Căn cứ Điều 74, Mục 4, Chương 7, Phần thứ ba của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005
Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;
b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;
c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;
đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;
e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;
h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;
i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng;
k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá;
m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
n) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.
3. Quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Căn cứ Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:
Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
4. Quy trình thẩm định đơn nhãn hiệu
– Giai đoạn 1: Thẩm định hình thức đơn
Khi nhận được đơn đăng ký nhãn hiệu, chuyên viên của Cục sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành đánh giá tính đầy đủ và chính xác của đơn theo các yêu cầu về hình thức, đối tượng loại trừ, quyền nộp đơn,… Từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Cụ thể hơn, đơn đăng ký của bạn phải đảm bảo: chỉ yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ và đơn phải được làm bằng tiếng Việt. Thời gian thẩm định là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn.
– Giai đoạn 2: Công bố đơn hợp lệ
Đơn đăng ký nhãn hiệu được chấp nhận là hợp lệ sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ. Thời gian công bố là 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ.
– Giai đoạn 3: Thẩm định nội dung đơn
Thời hạn thẩm định nội dung của đơn là 9 tháng kể từ ngày công bố đơn. Đơn nhãn hiệu đã được công nhận là hợp lệ sẽ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng bảo hộ của dấu hiệu nêu trong đơn và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng theo các điều kiện bảo hộ.
– Giai đoạn 4: Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Căn cứ vào kết quả thẩm định nội dung, nếu đơn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo hộ thì Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho người nộp đơn kết quả thẩm định và yêu cầu nộp các khoản lệ phí. Sau đó, chủ đơn sẽ chính thức được nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
VII. Lưu ý khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu
Khi thực hiện đăng ký nhãn hiệu, bạn cần phải lưu ý từng chi tiết nhỏ vì nó có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng và kinh doanh sau này. Đầu tiên, cần có sự đồng nhất giữa tên thương mại của công ty hoặc tên miền khi đăng ký nhãn hiệu. Về màu sắc, nhãn hiệu có thể đăng ký ở dạng trắng-đen và được sử dụng bằng các màu sắc khác miễn là vẫn giữ được kiểu dáng, hình dạng ban đầu và không trùng với các nhãn hiệu khác. Lưu ý quan trọng là chủ thể nào nộp đơn đầu tiên trước cho cơ quan có thẩm quyền như Cục Sở hữu trí tuệ thì sẽ được chấp nhận, các chủ thể nộp sau sẽ không có quyền đăng ký nội dung bảo hộ giống người nộp đầu tiên. Vì vậy, bạn cần thực hiện việc đăng ký nhanh chóng nhất có thể để không bị mất quyền lợi sở hữu nhãn hiệu của mình.
Mong rằng qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về nhãn hiệu và phân biệt được các ký hiệu đăng ký bản quyền. Nếu bạn đang phân vân có nên đăng ký nhãn hiệu độc quyền hay không thì hãy đọc kỹ lại bài viết một lần nữa hoặc tìm hiểu thêm các tài liệu Pháp luật quy định. Và đừng quên chia sẻ bài viết này nếu thấy nó hữu ích nhé!
Xem thêm:
– KPI là gì? Phân loại và các bước xây dựng chỉ số KPI hiệu quả
– Mã SKU là gì? Tầm quan trọng của mã SKU trong quản trị kho hàng
– IT là gì? Các yêu cầu và cơ hội việc làm của ngành IT
Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A3n_hi%E1%BB%87u
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Nhãn hiệu là gì? Phân loại và điều kiện đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Thcshoanghiep.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.