Theo Live Science, thiết bị thám hiểm biển sâu của Ocean Exploration Trust Company (OET) đang khám phá một ngọn núi ngầm không xác định gần đảo san hô Johnston thì phát hiện ra một chiếc răng quái vật khổng lồ gắn trên núi.
Khu vực tìm kiếm nằm trên Thái Bình Dương, cách Hawaii – Mỹ khoảng 1.300 km về phía Nam.
Góc chụp từ tàu lặn điều khiển từ xa cho thấy quá trình “kéo” răng của thủy quái ra khỏi núi – Ảnh: OCEAN Exploration TRUST
Ngọn núi nơi răng của con quái vật lộ ra cũng là một ngọn núi dưới biển sâu chưa từng được biết đến trước đây, vì vậy vào thời điểm đó tàu lặn của Ocean Exploration Trust đang thu thập các mẫu vật từ vùng biển đó.
Chiếc răng cũng được lấy mẫu tại chỗ và sau đó được xác định là răng của siêu quái vật megalodon.
Megalodon là một loài cá mập “quái vật” đã tuyệt chủng, với con lớn nhất được cho là dài tới 20 mét, tức gấp khoảng ba lần kích thước của loài cá mập trắng lớn nhất hiện đại.
Chúng đứng đầu chuỗi thức ăn của các đại dương trên Trái đất từ khoảng 20 triệu năm trước cho đến khi biến mất khoảng 3,6 triệu năm trước.
Chúng cũng là một trong những loài thủy quái lớn nhất và nguy hiểm nhất mọi thời đại, với thân hình và khả năng “sát thủ” sánh ngang với các loài bò sát biển ở “thời đại khủng long”.
Phó giáo sư Nicola Straube đến từ Bảo tàng Đại học Bergen (Na Uy), đồng tác giả nghiên cứu, mô tả chiếc răng này được khai quật ở độ sâu 3.000 m là một khám phá đáng kinh ngạc.
Phó giáo sư Straube cho biết: “Hóa thạch này được phát hiện tại một địa điểm biển sâu rất xa xôi, nơi hóa thạch megalodon hiếm khi được ghi nhận”.
Điều này cũng cho thấy ngọn núi chưa được biết đến trước đây có thể là mộ của megalodon.
Theo đồng tác giả Jurrgen Pollenpocl từ Bộ sưu tập Động vật học bang Bavaria (Đức), hóa thạch này cung cấp những hiểu biết quan trọng về sự phân bố của siêu quái vật biển này.
Các mẫu vật chỉ ra rằng cá mập quái vật cổ đại không chỉ là loài ven biển mà di cư qua các khu vực rộng lớn hơn của đại dương, giống như cá mập trắng lớn hiện đại.