Sữa tách béo là thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường, cao huyết áp… Cùng tìm hiểu sữa tách béo là gì và các loại sữa tách béo trên thị trường hiện nay nha.
Sữa tươi, sữa tiệt trùng, sữa nguyên kem, sữa tách béo,… là những loại sữa đã khá quen thuộc và phổ biến trên thị trường hiện nay. Trong đó sữa tách kem là loại sữa được lựa chọn nhiều nhất bởi những người đang muốn giảm cân hay áp dụng chế độ ăn kiêng.
Vậy sữa tách kem là gì và có những loại sữa tách kem nào trên thị trường hiện nay? Cùng tham khảo ngay qua bài viết sau.
Sữa tách béo là gì?
Sữa tách béo (Skimmed milk) còn có tên gọi khác là sữa gầy hay sữa tách kem. Không giống những loại sữa thông thường khác, sữa tách béo là sữa sử dụng công nghệ tách ly tâm khi chế biến để tách phần kem sữa ra khỏi sữa tươi nguyên chất.
Phần kem sau khi được tách thường dùng chế biến váng sữa. Chính vì thế, mùi vị sữa tách béo sẽ không còn được béo ngậy như trước, và cũng không còn màu trắng như các loại sữa nguyên chất khác.
Lượng calo của sữa tách béo thường khá thấp và tỷ lệ chất béo được tách ra cũng phụ thuộc vào nhà sản xuất. Bên cạnh đó, sữa tách béo không chứa đường nên là thực phẩm rất được ưa chuộng bởi những người muốn giảm cân, người mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp đặc biệt là tiểu đường.
Có nhiều người cho rằng sữa đã tách béo sẽ không còn nhiều chất dinh dưỡng và lợi ích đối với sức khỏe nữa. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không chính xác. Sữa nguyên chất tách béo bằng phương pháp tách ly tâm chỉ lấy ra các phần tử chất béo và giữ nguyên các dưỡng chất nên hoàn toàn đảm bảo giá trị dinh dưỡng nhé.
Ưu điểm của sữa tách béo là gì?
Theo bạn thì tại sao sữa tách béo lại là lựa chọn phù hợp cho những người muốn giảm cân và giảm cholesterol? Chính là bởi ưu điểm nổi bật của sữa tách béo là hàm lượng protein của sữa cao và vẫn đảm bảo trong khi hàm lượng chất béo và calo lại thấp.
Sữa tách béo cũng là thức uống ưa thích của những người thường xuyên tập thể dục với cường độ mạnh để giúp cơ thể bù nước và những dưỡng chất cần thiết. Ngoài ra, sữa tách béo cũng làm cải thiện độ săn chắc của cơ bắp và loại bỏ các chất béo không mong muốn.
Sữa tách béo có ưu điểm là vậy nhưng bạn cũng nên cân nhắc vì loại sữa này có hàm lượng vitamin A và vitamin D hạn chế. Người thể trạng cơ thể yếu thì nên sử dụng sữa nguyên chất sẽ cung cấp đầy đủ dưỡng chất và cải thiện sức khỏe nhanh hơn.
Sữa tách béo và sữa nguyên chất khác nhau như thế nào?
Số lượng các dưỡng chất trong sữa tách béo và sữa nguyên chất là giống nhau nhưng hàm lượng thì có sự chênh lệch.
Sữa tách béo hơn 1 phần đường carbohydrate so với sữa nguyên chất. Hàm lượng canxi và protein trong sữa tách béo nhiều hơn. Đây là 2 dưỡng chất rất quan trọng trong quá trình phát triển xương, răng cũng như các cơ bắp.
Sữa nguyên chất chỉ có 1 loại 3.25% chất béo còn sữa tách béo chia làm 3 loại chính là sữa giảm béo 2%, sữa ít béo 1% và sữa ít hơn 1% chất béo. Sữa tách béo bớt đi độ ngậy béo và hơi khó uống.
Vì thế ban đầu khi mới uống, bạn nên pha sữa tách béo với sữa nguyên chất để uống cùng. Bạn dần dần hạ hàm lượng sữa nguyên chất xuống khi đã uống quen sữa tách béo rồi nha.
Dinh dưỡng trong sữa tách béo
Hàm lượng chất béo là yếu tố dinh dưỡng khác biệt nhất giữa sữa tách béo và sữa nguyên chất nên dẫn tới khác biệt hàm lượng calo. Bạn có thể tham khảo những thông tin so sánh thành phần dinh dưỡng trong 2 loại sữa tham khảo từ trang Healthline, trang thông tin sức khỏe của Mỹ như dưới đây:
Calo
Sữa tách béo chỉ chứa 90 calo trong mỗi ly sữa trong khi sữa nguyên chất chứa tới 150 calo. Vì thế sữa tách béo rất phù hợp cho nhu cầu giảm cân của chị em phụ nữ. Tuy nhiên thì trong sữa nguyên chất cũng có chứa axit linoleic liên hợp hỗ trợ làm giảm lượng mỡ thừa và tăng khối lượng cơ nạc.
Vì vậy bạn có thể dùng luân phiên 2 loại sữa này trong quá trình giảm cân, miễn là bạn luôn theo dõi chặt chẽ số calo hấp thụ mỗi ngày là được nha.
Canxi
Sữa tách béo hay sữa nguyên chất đều cung cấp từ 25-35% nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể. Tuy nhiên lượng canxi trong sữa tách béo nhiều hơn nên giúp ích hơn cho quá trình bảo vệ và phát triển răng, xương và các chức năng cơ bắp.
Chất béo
Trong một ly sữa nguyên chất có chứa 8g chất béo, nhưng tới 5g là chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa sẽ tốt nếu bạn nạp 1 lượng vừa đủ vào cơ thể. Ngược lại nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu bạn sử dụng quá thường xuyên.
Chất béo bão hòa trong sữa tách béo chỉ ở khoảng 0.2%. Phụ nữ mãn kinh uống các sản phẩm sữa ít béo cũng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.
Cholesterol
Hàm lượng cholesterol trong sữa tách béo thấp hơn sữa nguyên chất. Người cao tuổi được khuyên nên sử dụng sữa tách béo để ngăn tích tụ cholesterol. Chất béo bão hòa và cholesterol là nguyên nhân gây đột quỵ, đau tim, cao huyết áp nhất ở người cao tuổi.
Một lưu ý đối với những phụ nữ đang có kế hoạch thai sản rằng bạn không nên sử dụng sữa tách béo vì có thể làm giảm khả năng rụng trứng. Trong khi đó, sữa nguyên chất giúp cải thiện khả năng sinh sản.
Sữa tách béo/sữa gầy có thật sự tốt không?
Sữa tách béo (sữa gầy) đều có cả ưu điểm và nhược điểm khi sử dụng. Sữa tách béo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm nguy cơ loãng xương, béo phì, phát triển cơ nạc, cải thiện lượng đường trong máu, giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, nhược điểm của nó là có chỉ số GI cao hơn sữa nguyên chất khiến khó kiểm soát lượng đường trong máu. Sữa nguyên chất chưa gạn lọc chất béo giúp bạn thỏa mãn cơn đói trong khi sữa gầy không thể kìm được cơn đói của bạn, khiến bạn phải ăn thêm các món ăn khác dẫn tới ăn quá nhiều.
Các loại sữa tách béo
Sữa tách béo cũng khác nhau về tỉ lệ chất béo được tách kem từ sữa nguyên chất. Bạn thường gặp 3 loại sữa tách béo sau:
Sữa tách béo chứa 2% chất béo
Sữa tách béo chứa 2% chất béo hay còn gọi là sữa giảm béo 2% (Reduced fat milk). Loại sữa này chứa khoảng 5g chất béo cùng với 9 chất dinh dưỡng thiết yếu khác giống với sữa nguyên chất.
Một số loại sữa chứa 2% chất béo bạn có thể tham khảo là sữa tươi tiệt trùng Natrel, sữa tươi thanh trùng Dalatmilk, sữa tươi Table cove,…
Sữa tách béo chứa 1% chất béo
Sữa tách béo chứa 1% chất béo hay sữa ít béo (Low fat milk) chứa 2.5g chất béo và cung cấp 100 calo năng lượng.
Bạn có thể thưởng thức sữa tách béo 1% chất béo của các loại như sữa tươi Dutch Lady, sữa tươi Anlene, sữa thanh trùng Meadow Fresh,…
Sữa tách béo chứa ít hơn 1% chất béo
Tên gọi khác của loại sữa này là sữa không béo vì hàm lượng chất béo và calo trong sữa cực thấp, bên cạnh đó hàm lượng các dưỡng chất thiết yếu khác được giữ nguyên.
Một số loại sữa gầy ít hơn 1% chất béo mà bạn có thể thử là sữa tách béo Vinamilk, TH True Milk,…
Các lưu ý khi sử dụng sữa tách béo
Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh
Bạn cần xây dựng thói quen ăn uống đa dạng, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, các vitamin cung cấp cho cơ thể nhưng ở một lượng vừa phải. Đặc biệt, bạn cần bổ sung thêm vitamin A và vitamin D vì những vitamin này đã bị mất đi sau khi tách kem sữa từ các loại thực phẩm như khoai lang, rau bina, cá hồi,…
Chọn sữa từ thành phần tự nhiên
Vitamin A hay D tổng hợp thường được bổ sung vào sữa tách béo. Những chất này dễ khiến cơ thể ngộ độc, tích tụ lâu ngày gây suy tuyến giáp, tăng nguy cơ mắc ung thư.
Bổ sung chất béo bão hòa
Mặc dù sữa tách béo hỗ trợ giảm cân nhưng nếu dùng sai cách thì có thể bị tác dụng ngược lại. Khi lượng chất béo bão hòa trong cơ thể giảm, các vitamin hòa tan trong chất béo không thể hấp thụ.
Lưu ý sử dụng với phụ nữ có thai và trẻ dưới 5 tuổi
Phụ nữ trong thai kỳ nên tham khảo kỹ thành phần sữa và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống. Nếu bạn hấp thụ dư lượng vitamin A có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
Trẻ em dưới 5 tuổi cũng nên cân nhắc khi sử dụng vì sữa gầy không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết như sữa nguyên chất.
Đọc kỹ bao bì sản phẩm
Bạn hãy chọn mua sữa ở thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và còn hạn sử dụng để tránh những tác hại không tốt với sức khỏe.
Không dùng sữa nấu ăn
Sữa tách béo hay dùng trong pha chế đồ uống như cà phê vì tạo lớp bọt tốt. Tuy nhiên bạn không được dùng nó nấu ăn vì hương vị của nó sẽ ảnh hưởng tới hương vị món ăn.
Trên đây là tất tần tật những điều cần biết về sữa tách béo (Skimmed milk) để bạn có thể tham khảo. Hy vọng những thông tin trên đã hữu ích cho bạn trong việc lựa chọn và sử dụng loại sữa tách béo cho phù hợp để đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình nhé.
Nguồn: Vinmec.com, Trang Healthline, trang thông tin sức khỏe của Mỹ
Thcshoanghiep.edu.vn