Taurine là gì? Có vai trò gì đối với sức khoẻ và nguồn thực phẩm bổ sung taurine cho cơ thể. Cùng tìm hiểu bài viết sau đây để rõ hơn về taurine.
Cơ thể con người có rất nhiều loại axit amin giúp phát triển khoẻ mạnh. Taurine cũng là một axit amin, tuy không phải là axit amin thiết yếu nhưng cũng rất quan trọng và cần thiết cho sức khoẻ tốt nhất là đối với trẻ. Dưới đây là các thông tin về Taurine, tham khảo ngay nhé.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Taurine là gì?
Taurine hay còn gọi là 2-aminoethanesulfonic axit là axit amin có vai trò quan trọng trong việc phát triển não và võng mạc (mắt), giúp phòng chống các bệnh về tim mạch, chống ôxy hoá, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, có nhiều trong thịt, cá, hải sản.
Taurine giúp trẻ sơ sinh hấp thụ chất béo qua đường tiêu hóa, đảm bảo gan xử lý chất thải, và bảo vệ dây thần kinh, đặc biệt là ở mắt và tai. Thiếu taurine có thể gây suy giảm chức năng gan và võng mạc.
Vai trò của taurine với sức khoẻ
Trong cơ thể, Taurine có hầu hết ở tất cả các mô, nhưng chủ yếu tập trung nhiều tại mô thần kinh, cơ xương, tim và võng mạc.
Vai trò của taurine trong sữa mẹ
Trong sữa mẹ, nồng độ taurine thường cao hơn so với các loại sữa khác, do đó việc cho trẻ bú sữa mẹ sẽ giúp cung cấp đầy đủ taurine cần thiết cho cơ thể của trẻ:
- Taurine, cùng DHA và Choline là dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ, đặc biệt là ở giai đoạn mới chào đời. Lượng Taurine tập trung ở não bộ trẻ nhiều gấp 4 lần so với người lớn.
- Trẻ sơ sinh thiếu Taurine dễ bị tổn thương võng mạc, suy yếu thị lực và nghiêm trọng hơn có thể mất khả năng nhìn.
- Nó giúp trẻ hấp thụ chất béo, xử lý chất thải và bảo vệ dây thần kinh, đặc biệt là ở mắt và tai.
- Việc bổ sung taurine vào chế độ ăn của trẻ sinh non và nhẹ cân có thể cải thiện sự tăng trưởng và phát triển.
Đối với người lớn
- Taurine giúp điều hòa nhịp tim, cải thiện chức năng tim, phòng chống các bệnh về tim mạch.
- Taurine có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi những độc tố gây hại, đào thải các tế bào chết, các chất độc ra khỏi cơ thể.
- Điều tiết lượng đường trong máu, nhờ đó kiểm soát và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Taurine còn hỗ trợ trong việc điều trị động kinh, phục hồi sức lực, cải thiện hiệu suất làm việc của cơ thể.
- Một nghiên cứu cho thấy những người bị tiểu đường có nồng độ taurine thấp hơn 25% so với những người không bị tiểu đường. Điều này cho thấy rằng taurine có thể có một vai trò trong việc quản lý bệnh tiểu đường.
Thực phẩm bổ sung Taurine cho cơ thể
Taurine có nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật, như thịt heo, tim heo, thịt bò, thịt gà và các loại cá như cá thu, cá hồi, tôm, cua, mực…
Sữa mẹ là nguồn dưỡng chất bổ sung taurine cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, lượng taurine trong sữa mẹ sẽ giảm dần sau khi sinh. Vì vậy, nên cho trẻ uống thêm sữa công thức để bổ sung taurine cho cơ thể.
Một số lưu ý khi bổ sung Taurine
- Nước tăng lực có chứa taurine và caffein giúp cơ thể tỉnh táo, nhưng kết hợp với nhau sẽ không tốt cho phụ nữ mang thai và trẻ em, vì nó sẽ làm giảm trí nhớ trong ngắn hạn, ảnh hưởng tới tim mạch.
- Lưu ý rằng việc bổ sung taurine không được áp dụng đối với tất cả trẻ em. Các trường hợp trẻ có các vấn đề về chức năng gan, thận hoặc bị các bệnh về dị ứng cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung taurine.
- Bổ sung taurine bằng thực phẩm thường an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, cần theo liều lượng phù hợp. Liều lượng trung bình mỗi người cần khoảng 50 mg Taurine một ngày. Trẻ em cần tối đa 1 g Taurine mỗi ngày và người lớn cần tối đa 2 g.
- Đối tượng có nguy cơ thiếu hụt taurine gồm: Phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ sinh non thiếu tháng, trẻ đang trong giai đoạn phát triển, người vận động trí óc và thị lực nhiều.
- Bổ sung Taurine kết hợp với ăn uống vận động hiệu quả sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Như vậy, Taurine có rất nhiều công dụng với sự hoạt động của não bộ, tim mạch và mắt. Hy vọng qua bài viết này giúp bạn hiểu được về taurine là gì? vai trò của taurine trong sữa mẹ cho cơ thể và một số lưu ý để bổ sung taurine đúng cách giúp cả gia đình có sức khoẻ tốt nhất.
Nguồn: Healthline, Vinmec được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh – Bác sĩ Nhi – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Thcshoanghiep.edu.vn